Kem mây và Snack khói đang được giới trẻ vô cùng ưa chuộng, tuy nhiên sẽ là rất nguy hiểm nếu không biết cách dùng.
Kem mây, snack khói là tên gọi hai món ăn có sử dụng nitơ lỏng trong quá trình chế biến khiến món ăn bốc khói, rất bắt mắt.
Món kem tươi xịt nitơ lỏng cũng đang là trào lưu rất thịnh hành ở các nước phương Tây với tên gọi Liquid Nitrogen Ice Cream.
Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc bằng cách nào người ta có thể tạo ra món kem vui mắt, vui miệng đến thế? Ăn nitơ lỏng có độc hại cho cơ thể không?
Nitơ lỏng là gì?
Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội, giải thích: "Nitơ lỏng là nitơ trong một trạng thái lỏng ở nhiệt độ rất thấp. Trên thị trường, nitơ lỏng thường được bán với giá vài trăm nghìn một bom. Nó được sản xuất công nghiệp bằng cách chưng cất phân đoạn không khí lỏng. Nitơ lỏng có nhiệt độ rất thấp nên khi ra khỏi bình chứa nó sẽ bay hơi và tạo khói ngay".
Theo PGS Côn, nitơ không phải là khí độc, chúng chiếm 80% trong không khí nên hầu như không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Trường hợp tỷ lệ nitơ quá cao trong cơ thể có thể gây sốc, liệt chân tay. Song, vấn đề lớn nhất của loại khí này là độ lạnh.
"Bình thường, chúng ta ăn uống, hít thở cũng có khí này vào người. Khí nitơ lỏng không độc hại, nhưng kem xịt khí nitơ lỏng sẽ lạnh hơn kem bình thường. Nếu lạnh quá sâu có thể gây ra việc bỏng lạnh", PGS Côn cho biết.
Vì nitơ lỏng ở dạng khí, lại rất lạnh nên khi bỏ vào miệng đương nhiên sẽ thở ra khói. Món ăn này sau khi làm cần phải ăn ngay, nếu để sau vài phút sẽ bay hơi hoặc có hiện tượng tan chảy.
Theo ông, nếu loại kem mây và snack khói lạnh khoảng -10 độ C có thể gây hại cho cơ thể. Nhiều trường hợp có độ lạnh khoảng -20 độ C có thể gây bỏng môi ngay tức khắc. PGS Côn lưu ý, bỏng khí nitơ thường bỏng rất sâu.
Về khói bốc lên trong món ăn, chuyên gia cho biết đây là đặc trưng bình thường của khí nitơ. Do đó người ta vẫn dùng để biểu diễn, tạo khói trên sân khấu. Loại khí lỏng này thường được dùng để làm lạnh nhằm vận chuyển thực phẩm, bảo quản tinh trùng và trứng, các mẫu, chế phẩm sinh học...
Nói về nitơ lỏng, Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thành Quân (khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết về bản chất thì nitơ lỏng không gây tác hại đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, phải chú ý đến loại nitơ lỏng mà các tiệm mua từ nguồn gốc nào. Ở Việt Nam thường nhập nitơ lỏng từ nước ngoài để phục vụ sản xuất công nghiệp và nghiên cứu khoa học. Mặc dù chưa có quy định cấm dùng nitơ lỏng trong chế biến thực phẩm nhưng các bạn trẻ cũng
đừng vì thấy đẹp mà ăn cho vui bởi những nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho sức khỏe.
Theo TS-BS Lâm Vĩnh Niên - Khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Sử dụng nitơ lỏng được chấp nhận trong chế biến thức ăn nếu các biện pháp an toàn được áp dụng.
Cần phải để khí nitơ bay hơi hết trước khi sử dụng thức ăn. Nếu nuốt phải lượng khí nitơ lỏng khoảng 1 muỗng cà phê, nó có thể đông cứng lại, dễ vỡ như thủy tinh hoặc trở thành khí và gây thủng ruột hoặc dạ dày (một ngụm nitơ lỏng tương đương 25 lít khí), hiếm ai có thể nuốt một lượng như vậy do bị lạnh và sẽ nhổ ra ngay. Mặc dù vậy, đôi khi vẫn có thể gặp hiệu ứng Leidenfrost (không cảm thấy lạnh ngay lập tức).
Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp ăn các món ăn tưới nitơ lạnh suýt mất mạng. Năm 2018, một cậu bé ở bang Florida, Mỹ đã lên cơn suyễn sau 10 phút ăn snack khói có nitơ lỏng có tên gọi là “Dragon’s Breath”.
Cậu bé bắt đầu có cơn suyễn nhẹ, sau đó cơn suyễn tăng dần và khó thở. May mắn, một trạm cứu hỏa ở gần đó và những người lính đã cấp cứu kịp thời cho cậu bé trước khi vào viện.
Trước đó, một bé trai 12 tuổi ở Hàn Quốc trở thành nạn nhân của thực phẩm sử dụng nitơ lỏng làm lạnh. Khi vui chơi tại công viên nước ở thành phố Cheonan, miền trung Hàn Quốc, nạn nhân đã ăn món ngũ cốc có tên "hơi thở của rồng" và phải nhập viên ngay sau đó do có dấu hiệu bất thường.
Các bác sĩ đã phẫu thuật để xử lý vết thủng 5cm trong dạ dày được phỏng đoán là do cậu bé đã uống nitơ lỏng ở đáy tô trước đó.
PV (T/h)