Khi nấu ăn, thời điểm cho muối sẽ quyết định và ảnh hưởng trực tiếp đến hương vị của món ăn. Vậy cho muối như thế nào là đúng?
Trên thực tế, mỗi món ăn đều có những công thức và cách chế biến khác nhau. Vì vậy, người chế biến phải biết áp dụng việc cho muối và gia vị phù hợp.
Cho muối trước khi nấu
Khi xào hoặc hấp thịt, cá, bạn nên ướp muối trước khi nấu. Việc ướp muối trước sẽ giúp cho miếng thịt săn chắc hơn. Bên cạnh đó, muối sẽ tăng khả năng hydrat hóa của protein giúp protein kết dính và hút nước tốt. Cũng nhờ vậy mà thịt mềm, mịn và chín nhanh hơn.
Cho muối trong khi nấu
Đối với một số cách chế biến như nướng, om hay với những thực phẩm cứng như củ cải, khoai tây, bí xanh… thì bạn nên nêm muối trong quá trình nấu. Dưới tác động của nhiệt độ, gia vị sẽ dễ tan và thấm vào nguyên liệu tốt hơn. Bạn có thể thực hiện theo nguyên tắc nêm 1 lượng ít trong nhiều lần. Bằng cách này, sẽ dễ dàng điều chỉnh độ mặn, nhạt của món ăn.
Cho muối khi món ăn sắp hoàn thành
Với các món canh, đầu bếp sẽ nêm muối trước khi tắt bếp. Bởi việc cho muối vào ngay từ đầu sẽ khiến protein đông lại, từ đó ảnh hưởng đến màu sắc và dinh dưỡng của món ăn. Ngoài ra, khi xào các loại rau lá xanh người ta cũng sẽ cho muối khi chuẩn bị nấu xong. Bởi rau lá xanh rất dễ chín, nếu cho muối từ đầu sẽ làm cho rau mất nước và khô, đồng thời các chất dinh dưỡng cũng vì thế mà mất đi.
Cho muối sau khi món ăn được nấu xong
Các món ăn không qua quá nhiều khâu chế biến ví dụ như salad từ cà chua, dưa chuột… bạn nên nêm muối sau khi hoàn thanh xong. Bởi các món này thường mọng nước và rất mềm. Việc cho muối ngay từ đầu sẽ làm cho rau củ mất đi độ giòn ngọt.
Với những món như canh xương, nước dùng phở, canh chân giò, canh gà, canh rau hoặc salad, rau trộn, gỏi… sẽ nêm muối sau khi hoàn thành.
Lưu ý:
Khi nấu ăn, bạn có thể nêm thêm hoặc dùng một số loại gia vị như nước tương, nước mắm hoặc gia vị mặn khác để thay thế muối cho phù hợp với khẩu vị và món ăn.
PV (T/h)