Với những gia đình sử dụng bếp gas lâu sẽ thấy ngọn lửa ban đầu có màu xanh lam nhưng sau đó chuyển dần sang màu đỏ, thậm chí có lúc không lên lửa. Nguyên nhân là do cặn bẩn tích tụ nhiều trong mâm chia lửa. Chỉ cần vài bước xử lý đơn giản là lửa sẽ cháy đều và còn tiết kiệm tiền gas.
Các bước vệ sinh bếp gas:
Bước 1: Bạn phải quan sát bếp gas. Giữa bếp có một mâm chia lửa với nhiều lỗ nhỏ. Khi bật bếp, ngọn lửa sẽ phát ra từ những lỗ này. Bạn có thể dễ dàng nhấc bộ phận này ra khỏi bếp.
Trong lúc nấu nướng, bạn sẽ khó tránh khỏi tình trạng thức ăn, dầu mỡ tràn hoặc bắn ra dính vào mâm chia lửa khiến có lỗ nhỏ này bị bít lại. Khi các lỗ bị bít tắc, ngọn lửa sẽ có màu đỏ hoặc lửa không đều. Nếu các lỗ bị tắc nặng thì lửa có thể sẽ không lên.
Bước 2: Nhấc mâm chia lửa ra. Sau đó, lấy tăm nhọn hoặc que thép nhỏ chọc vào các lỗ để loại bỏ cặn bẩn.
Bước 3: Dùng bàn chải và nước rửa bát để chà sạch mâm chia lửa. Như vậy, các cặn bẩn sẽ được loại bỏ.
Bước 4: Dùng khăn sạch lau khô mâm chia rửa và để mâm chia lửa khô hoàn toàn rồi lắp vào bếp như ban dầu.
Khi bật bếp lên, bạn sẽ thấy lửa cháy đều và có màu xanh.
Một số mẹo khác để tiết kiệm gas:
- Trong khi nấu bạn hãy chú ý tới ngọn lửa, chỉ cần điều chỉnh núm bếp gas sao cho ngọn lửa vừa với đáy nồi là được. Ngọn lửa quá lớn vừa tốn gas mà món ăn của bạn lại lâu chín bởi lượng nhiệt thay vì tập trung vào đáy nồi lại bị phân tán ra xung quanh.
- Khi đun nấu, nếu thấy cần thiết mới thêm nước. Ví dụ khi luộc mì sợi, tùy lượng mì mà đổ nước cho vừa. Nếu hấp thức ăn, đặc biệt là hấp chín thực phẩm, bạn chỉ nên cho một lượng nước đủ dùng vào nồi. Nói chung, đổ nước sao cho hấp xong, trong nồi còn lại khoảng 1/2 bát nước là được. Nếu không, thời gian đun nước sôi sẽ kéo dài, lãng phí hơi gas.
- Sau khi nấu ăn xong, bạn nên khóa bình gas lại. Một phần hạn chế được lượng gas bị thất thoát ra bên ngoài, một phần đảm bảo được an toàn cho người sử dụng, tránh được tình trạng rò rỉ gas, gây cháy nổ...
PV (T/h)