Dưa món là món ăn được rất nhiều người ưa thích, có thể ăn kèm bánh chưng, bánh tét hoặc món ăn kèm trong những bữa ăn ngày Tết. Tuy đơn giản nhưng để thật sự bắt miệng người ăn thì cũng không phải dễ. Hôm nay, hãy cùng vào bếp và thực hiện dưa món thập cẩm nhé!
Nguyên liệu làm Dưa món thập cẩm
- Cà rốt 2 củ
- Dưa leo 2 trái
- Đu đủ xanh 1 trái
- Su hào 2 củ
- Củ kiệu 200 gr
- Ớt 5 trái
- Tỏi 1 củ
- Nước mắm 375 ml
- Giấm trắng 125 ml
- Đường 375 gr
- Muối 1 ít
Cách chọn mua nguyên liệu tươi ngon
Cách chọn mua su hào tươi ngon
Để mua được su hào ngon, bạn nên chọn những củ su hào có kích thước vừa phải, màu xanh nhạt tươi, trên thân không bị sâu hoặc dập nát. không quá to cũng không quá nhỏ, khi cầm sẽ thấy nặng tay và chắc chắn.Khi cầm cảm thấy nặng, chắc tay và ngửi không có mùi hôi hay hóa chất là su hào tươi ngon, sạch.
Bạn không nên chọn mua su hào có vỏ láng bóng và xanh đậm kỳ lạ hay đã được gọt sẵn vì có thể chúng đã bị ngâm hóa chất và thuốc kích thích tăng trưởng để giữ độ tươi lâu hơn.
Cách chọn mua cà rốt tươi ngon
Bạn nên chọn những củ dáng thẳng, có màu vàng cam sáng, vỏ trơn láng, trông bóng loáng, nhẵn mịn, không sần sùi, cuống còn tươi là cà rốt ngon.Khi cầm cảm thấy nặng tay, chắc chắn, không bị mềm nhũn là cà rốt tươi ngon, giòn.
Tránh chọn củ có đốm li ti trên thân, lá mọc xum xuê ở phần gốc và phần vai củ to, dày, khi cầm cảm thấy nhẹ vì thường cà rốt có ít ngọt, ít dưỡng chất.
Cách chọn mua đu đủ xanh ngon
Để dưa món được ngon, bạn nên chọn mua những quả đã to nhưng vẫn còn xanh và khi sờ vào cảm nhận độ cứng nhất định.
Chọn đu đủ làm dưa món bạn nên chọn những quả có cảm giác nặng tay, cuống còn dính nhựa vì đây là đu đủ có ít hạt, thịt dày và nhiều. Bạn nên chọn đu đủ mỏ vịt mới hái vì thịt sẽ giòn, không bị mềm, món ăn cũng sẽ ngon miệng hơn.
Tránh chọn mua đu đủ nếu trời đã mưa cách đó vài ngày vì đu đủ sẽ bị nhạt vị, ảnh hưởng đến chất lượng món ăn.
Cách chế biến Dưa món thập cẩm
1. Sơ chế rau củ
Bào sạch vỏ và rửa sạch phần cà rốt, củ cải trắng, đu đủ xanh và su hào. Đu đủ xanh bỏ phần hạt.
Tỏi lột bỏ và rửa sạch. Ớt cắt thành miếng to.
Củ kiệu bạn ngâm trong nước muối pha loãng qua đêm, sau đó đem cắt gốc, cắt ngọn và bóc vỏ lụa.
Cà rốt cắt thành từng lát dày khoảng đồng xu. Các nguyên liệu củ cải, su hào, đu đủ xanh và cà rốt, bạn cắt sợi dày khoảng 1 ngón tay út.
Mách nhỏ
Cắt rau củ dày giúp khi phơi rau củ không bị teo nhỏ lại làm món ăn bị dai.Để món ăn thêm đẹp mắt, bạn có thể tỉa hoa khi cắt rau củ.
2. Ngâm rau củ
Trong thau, bạn pha 1 lít nước lọc cùng 2 muỗng cà phê muối ăn, khuấy đều để muối tan.
Cho phần cà rốt, đu đủ xanh, dưa leo, tỏi và ớt vào và ngâm khoảng 20 phút.
Do củ cải trắng có mùi hăng hơn, bạn ngâm củ cải trong thau nước muối pha loãng riêng trong khoảng 30 phút.
Rau củ sau khi ngâm đủ thời gian, bạn vớt ra, rửa sạch lại với nước và để ráo.
3. Phơi khô rau củ
Rau củ sau khi ráo nước, bạn trải đều ra khay (hoặc rổ) và phơi dưới trời nắng khoảng 1 ngày đến khi rau củ săn lại còn khoảng 70% khối lượng ban đầu.
Để khử trùng sau khi khi phơi xong, bạn ngâm rau củ trong 1 lít nước pha với 1 muỗng cà phê muối, đảo đều khoảng 30 giây rồi vớt ra để thật ráo nước.
Mách nhỏ: Nếu điều kiện không cho phép phơi nắng, bạn có thể cho rau củ vào lò nướng ở nhiệt độ 100 độ C đến khi rau củ săn khô lại. Bạn nhớ đảo thường xuyên để các nguyên liệu được khô đều.
4. Pha nước mắm ngâm
Bắc nồi lên bếp, bạn cho vào 375ml nước mắm, 375gr đường, 125ml giấm trắng và 125ml nước lọc rồi khuấy đều. Đun sôi hỗn hợp đến khi đường tan hết thì tắt bếp để nguội hoàn toàn.
5. Ngâm dưa món
Trong hũ thủy tinh, bạn cho vào 1 lớp rau củ phơi khô xen kẽ 1 lớp tỏi, ớt và củ kiệu. Lặp lại các lớp tới khi dùng hết phần nguyên liệu.
Cho nước mắm để nguội vào vừa đủ để xâm xấp phần rau củ. Dùng miếng nhựa để nén phần rau củ xuống. Ngâm rau củ trong khoảng 3 ngày ở nơi thoáng mát là có thể dùng được.
Lưu ý: Để dưa món được ngon và bảo quản lâu hơn, bạn cần đảm bảo hũ thủy tinh đã được vệ sinh sạch bằng cách rửa qua nước và trụng sơ qua nước sôi, sau đó để thật ráo.
6. Thành phẩm
Dưa món khi hoàn thành sẽ có màu sắc tươi đẹp mắt. Rau củ phơi đúng cách sẽ không bị thâm hay héo và vẫn giữ được độ giòn. Gia vị nước ngâm được pha đúng tỉ lệ sẽ giúp dưa món thấm đều vị và ngon miệng.
Dưa món sẽ là thức ăn kèm tuyệt vời cho các món bánh chưng, bánh tét, giúp cân bằng khẩu vị và chống ngán trong những ngày Tết sắp đến.
Cách bảo quản và thời gian bảo quản dưa món
- Dùng hũ thủy tinh thay vì hũ nhựa sẽ giúp dưa món có hương vị ngon và bảo quản được lâu hơn.
- Sau khi hoàn thành, bạn bảo quản dưa món ở ngăn mát tủ lạnh có thể bảo quản được 1 tháng.
- Nếu không cất trong tủ lạnh, bạn có thể giữ dưa món ở nơi thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp mặt trời có thể giữ được khoảng 2 tuần.
Hy vọng với bài hướng dẫn cách làm dưa món thập cẩm trên, bạn có thể chuẩn bị cho gia đình mình những phần dưa ngon, giòn, đúng vị cho bữa ăn ngày Tết cũng như bữa cơm thường ngày nhé. Chúc bạn thành công!
Relife