Thiếu hụt 2 chất kẽm và sắt là một vấn đề dinh dưỡng nghiêm trọng và được ghi nhận ở trẻ em trên toàn cầu bao gồm cả những nước phát triển, đang phát triển và kém phát triển.
Thiếu kẽm và sắt lâu dài có thể dẫn đến chậm tăng trưởng, giảm chức năng miễn dịch, chậm phát triển nhận thức và vận động, ảnh hưởng tới hành vi và kết quả học tập của trẻ.
Trẻ bị thiếu kẽm và sắt thường có một số dấu hiệu điển hình sau, khi trẻ đã có một thời gian dài thiếu 2 chất này:
- Suy giảm đề kháng, trẻ dễ ốm vặt.
- Thèm ăn các những thứ không phải là thực phẩm như giấy bìa, khăn, đất…
- Biểu hiện trên da và niêm mạc: da tái, da xanh, niêm mạc nhợt.
- Móng tay, móng chân mỏng. Tóc móng giòn dễ gãy, móng tay có những khía, hoặc vạch trắng.
- Lưỡi khô, dễ bị sung viêm.
- Mệt mỏi, hay ngáp vặt, buồn ngủ, học tập thiếu tập trung, dễ cáu gắt.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Kém hấp thu, chậm tăng cân.
- Chậm phát triển chiều cao.
- Dễ mắc các bệnh về da mẩn ngứa và dị ứng.
- Gây thiếu máu.
Nên làm gì để bổ sung kẽm, sắt cho trẻ?
PGS.TS.BS Trần Thanh Tú - Trưởng khoa Nhi tổng quát, Phó viện trưởng, Viện Nhi Trung Ương: "Trong chế độ ăn của đứa trẻ thiếu kẽm và thiếu sắt thì việc cung cấp thường xuyên cho đứa trẻ là điều cần thiết".
Việc bổ sung kẽm và sắt có thể qua thực phẩm giàu kẽm, sắt. Bố mẹ cần kiểm tra các biểu hiện cho thấy trẻ bị thiếu kẽm và sắt để kịp thời bổ sung các thực phẩm giàu kẽm, sắt trong bữa ăn hàng ngày của con, ăn đa dạng thực phẩm. Và cho con đi thăm khám bác sỹ kịp thời.
Một số gợi ý cho cho các mẹ trong phối hợp dinh dưỡng tăng hấp thu kẽm và sắt:
Bữa ăn giàu sắt như thịt bò, thịt heo, thịt gà. Sau đó 30 phút nên kết hợp với 1 trái cam hay 1 ly nước cam có thể giúp gia tăng hấp thụ sắt gấp 4 lần.
Các thực phẩm giàu kẽm kể ở trên nên phối hợp đa dạng với các nguồn đạm khác trong cùng 1 bữa ăn để tăng hoạt động và sự hấp thụ kẽm. Ví dụ, cháo gà kết hợp cùng nấm rơm. Sự xuất hiện 2 nguồn đạm từ nấm và thịt gà cũng hỗ trợ nhau trong hấp thu kẽm, thay vì ăn riêng 1 loại.
Các thực phẩm chứa phytates như đậu các loại, bắp, đậu hũ, hạnh nhân nên tránh ăn cùng bữa với các thực phẩm giàu kẽm và sắt để tránh ngăn cản hấp thu 2 vi chất kẽm và sắt.
Kẽm và sắt - những vi chất quan trọng cho sự phát triển toàn diện thể chất và trí tuệ của trẻ
Vài món ngon dễ làm giàu kẽm và sắt cho trẻ
Trẻ ăn dặm có thể lấy dinh dưỡng từ thức ăn giàu kẽm và sắt như thịt bò (100g thịt bò sẽ cho khoảng 3.1g sắt và 3,64g kẽm), bí ngô, súp lơ, nấm, hải sản... đều giàu kẽm và sắt, bé cũng dễ hấp thu, chế biến được nhiều món dễ ăn… nhất là tim và gan, cật của gà, heo rất dễ mua, dễ chế biến.
Sau đây là vài món ăn với tim, gan, cật gà và heo dễ làm cho bé.
Cháo tim gà bí đỏ
Nguyên liệu
Gạo nếp, gạo tẻ
Tim gà
Bí đỏ (tủy khẩu vị), hành khô, dầu ăn.
Cách làm
Cháo hầm nhừ. Bí đỏ hấp/ luộc chín mềm tán nhuyễn.
Tim gà rửa sạch, bóc màng (có thể bỏ cuống, băm nhỏ).
Phi thơm hành khô, cho tim gà vào xào chín thì đổ vào nồi cháo khuấy cho sôi lục bục thì cho bí đỏ vào đun sôi bồng lên thì múc ra bát, cho bé ăn lúc ấm.
Cháo gan gà rau dền (hoặc rau cải)
Nguyên liệu
Rau dền 30g
Gan gà 30g
Dầu ăn 1 thìa nhỏ 5ml, gia vị.
Cách làm
Rau dền xắt nhỏ.
Gan gà rửa thật sạch, cho chút nước vào đánh tan.
Cháo chín nhừ đổ gan đã đánh tan vào khuấy đều, rồi cho rau dền vào nấu chín. Múc ra bát, thêm chút dầu ăn, nêm nếm vừa vặn, cho bé ăn nóng.
Cháo gan gà khoai lang
Gạo tẻ 40g
Gan gà 1 bộ
Khoai lang (tùy ý), dầu ăn 1 thìa nhỏ 5ml
Cách làm
Cháo ninh nhừ.
Gan gà lạng hết màng xơ, rửa sạch, băm nhuyễn.
Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng cho vào nồi hấp chín thì tán nhuyễn.
Cho gan và khoai vào nồi cháo đã nhừ đun tiếp 3-5 phút, nêm nếm vừa vị. Khi múc cháo cho bé ăn thì cho thêm rau thơm thái nhuyễn (nếu bé ăn được), thêm 1 thìa nhỏ dầu ăn khuấy đều và cho bé ăn nóng.
Cháo tim cật heo
Nguyên liệu
Xương heo
Cật heo, tim heo
Gạo tẻ rang
Hành tím, hành lá, rượu trắng, dầu ăn, hạt nêm, muối, tiêu, nước mắm.
Cách làm
Xương heo rửa sạch và chần qua nước sôi để khử mùi và chất bẩn. Đổ 1.5-2 lít nước vào nồi xương hầm với lửa nhỏ (không đậy nắp nồi vì nước xương sẽ đục), chú ý hớt bọt.
Hầm 30 phút thì chắt nước xương riêng, đổ gạo rang vào ninh cháo.
Quay ra chế biến tim cật heo như sau:
Tim heo đem luộc sơ, thái lát vừa ăn.
Cật heo lột màng, cắt đôi, bỏ phần hôi màu trắng ở hai nửa miếng cật rồi khứa xéo mặt miếng cật. Rắc muối (hoặc rượu) bóp nhẹ, để 2-3 phút rồi rửa sạch, thái lát sẽ hết hôi, tanh.
Ướp tim, cật heo với 1 củ hành tím băm, 1 thìa hạt nêm, 1/2 thìa tiêu, 1 thìa nước mắm để khoảng 10-15 phút cho thấm gia vị.
Hành lá, rau thơm (nếu thích) nhặt rửa sạch, xắt nhuyễn.
Cháo nhừ thì cho tim, cật heo đã ướp vào đun tới chín, nêm nếm vừa ăn rồi múc ra bát. Nếu trẻ ăn được tiêu, rau thơm, hành lá thì cho thêm vào, ăn nóng rất ngon.
Lưu ý
- Rang gạo, hoặc ngâm gạo 30 phút trước khi nấu cháo sẽ nhanh nhừ và thơm ngon hơn.
- Trẻ dưới 1 tuổi có thể bỏ gạo vào máy xay rối rồi ngâm gạo 2 giờ cho nở to thì cháo nhanh nhừ.
- Nên chọn tim, gan, cật gà/heo nuôi tự nhiên, khỏe mạnh, không dùng thuốc tăng trọng.
- Bổ sung kẽm và sắt đồng thời phải đảm bảo cho bé ăn đủ hoa quả giàu vitamin C (cam, quýt, chuối, xoài), đủ nhóm đạm, khoáng chất, tinh bột, vitamin để bé phát triển toàn diện.
Relife