Chắc hẳn ai cũng sẽ có 1 lần bối rối khi chặt gà lần đầu, chặt gà sao cho đẹp mà không bị vụn, nát? Hôm nay, Relife sẽ mách bạn cách chặt gà xếp nguyên con và tạo dáng gà cúng bàn thờ gia tiên ngày lễ Tết sao cho đẹp và dễ thực hiện nhất nhé!
1. Cách chặt gà và xếp nguyên con
Chặt gà nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai trong chúng ta cũng có thể thực hiện chúng 1 cách thành thạo và gọn gàng nhất.
Đặc biệt, đối với mâm cỗ cúng gia tiên của người Việt trong các dịp lễ Tết, không thể thiếu được phong tục cúng gà luộc cho ông bà.
Vậy chặt gà như thế nào? Cần chuẩn bị những gì? Những bước để chặt gà xếp nguyên con cho đẹp mắt ra sao? Hãy theo dõi bài viết bên dưới và bạn sẽ bỏ túi ngay công thức chặt gà xếp nguyên con dễ dàng nhé.
Chặt phần cổ gà
Đầu tiên, bạn phải chuẩn bị một con dao thật sắc, chặt cổ gà và phần thân gà riêng ra. Tiếp đến, chặt cổ gà thành từng khúc khoảng 2 đốt ngón tay, phần đầu gà bạn cần dùng dao bổ dọc và dứt khoát để gà không bị nát, vụn.
Chặt phần cánh gà
Tiếp theo, bạn chặt phần cánh tách rời khỏi thân gà. Chặt cánh gà thành từng khúc vừa ăn. Thực hiện các thao tác tương tự với phần cánh còn lại rồi xếp gọn cánh và đầu gà ra dĩa trước.
Tách và chặt phần đùi
Dùng dao tách phần đùi gà ra khỏi thân gà, sau đó chặt chúng thành những miếng vừa ăn. Ở bước này vì phần xương đùi của gà khá cứng, bạn cần thực hiện dứt khoát và gọn gàng nhé.
Chặt phần thân
Tiếp đó, bạn chặt phần thân gà theo chiều dọc thành từng khúc dài và để chúng riêng ra.
Chặt phần ức - lườn
Sau khi đã chặt thân gà, bạn chặt ức gà và lườn gà thành những miếng vừa ăn.
Xếp gà ra dĩa
Đặt đứng phần đầu gà ở 1 góc dĩa, xếp 2 cánh xòe ra phía sau đầu gà. Tiếp theo, bạn lần lượt xếp phần cổ, ức và lườn gà sau phần cánh để làm thân gà. Cuối cùng, xếp 2 đùi gà lên trên phần thân gà là hoàn thành.
2. Gợi ý tạo dáng gà cúng
Gà cánh tiên
Đầu tiên, gà được chọn để tạo dáng cúng cho mâm cỗ gia tiên có kích thước vừa phải từ 1.5 - 1.6 kg, không chọn những con gà quá nhỏ hoặc quá to sẽ không được đẹp.
Tiếp theo, gà sau khi đã làm sạch, bạn dùng tay gấp chân gà và cho vào bụng. Cánh gà ép chặt và cột sát vào cổ gà. Bạn nên dùng dây lạt cố định để cánh gà được xòe đều ra một cách đẹp mắt.
Sau khi đã cố định phần cánh, tách mỏ gà và cho nó cặp vào dây lạt đã buộc. Bước tạo hình gà cánh tiên đã hoàn thành. Bạn chỉ cần đem gà bỏ vào nồi luộc hoặc hấp chín là có thể dọn lên mâm cơm cúng gia tiên ngay nhé.
Gà bay
Gà sau khi đã sơ chế sạch, dùng 1 cây đũa chèn ngang qua phần thân và cánh gà. Dùng dây lạt dài buộc cố định cánh gà vào đũa cho chúng xòe đều ra. Thực hiện tương tự ở cả 2 bên cánh gà.
Tiếp đó, gấp chân gà, dùng đoạn còn lại của dây lạt cố định chân gà vào chiếc đũa. Thực hiện tương tự ở 2 bên chân gà sao cho khi đặt xuống, chúng có thể đứng vững.
Bước cuối cùng, bạn dùng dây lạt xỏ xuyên qua mũi gà, cố định đầu gà bằng cách luồn dây qua chiếc đũa. Gà có hình dáng như đang chuẩn bị bay lên là thành công.
Gà chầu
Với cách tạo dáng cuối cùng cho gà mà bài viết mách bạn, cần dùng dao bổ dọc theo bụng gà đã sơ chế. Khứa nhẹ cho phần gân ở 2 bên chân đứt nhưng chân gà không bị rời ra khỏi thân, sau đó gấp ngược lại và cố định 2 chân gà bằng dây lạt.
Tiếp tục dùng dây lạt buộc cố định phần cổ và 2 cánh gà lại.
Cuối cùng bạn mang gà đi luộc. Khi luộc, bạn lưu ý dùng 1 chiếc nồi có kích cỡ gần bằng con gà, để giữ cố định hình dáng của gà. Gà sau khi luộc xong, có thế cong lên giống như tư thế quỳ, cánh khép lại và đầu được giữ thẳng là thành công.
Hy vọng bài viết cung cấp những thông tin bổ ích cho bạn về cách chặt gà xếp nguyên con và tạo dáng gà cúng bàn thờ gia tiên ngày Tết. Chúc bạn thực hiện thành công và đừng quên để lại những nhận xét ở phần bình luận bên dưới nhé!
Relife