Với việc sử dụng app như hiện nay có thể biến một cô gái xấu xí thành 'công chúa'. Điều này khiến nhiều người dùng mạng xã hội đã phải thất vọng khi nhìn thấy nhan sắc thật của một ai đó không hề giống chút nào với ảnh đã chỉnh sửa.
Ảnh qua app khác một trời một vực so với người thật
Theo nghiên cứu được trích dẫn bởi Psychology Today, các cô gái có xu hướng đăng nhiều ảnh trên mạng hơn bất kỳ đối tượng nào khác. Và tất nhiên, hầu hết các bức ảnh này đều đã được ''thông qua'' các app chỉnh ảnh, công cụ photoshop vì lên mạng là phải đẹp.
Girlguiding tiến hành cuộc khảo sát với 1.400 người trong độ tuổi từ 11-21 và thu được kết quả: Một phần ba trong số họ sẽ không đăng ảnh selfie nếu chưa sử dụng bộ lọc giúp gương mặt không còn khuyết điểm.
"Mọi người có xu hướng chỉ chia sẻ hình ảnh của bản thân từ những góc độ nhất định, sử dụng bộ lọc làm đẹp hoặc tận dụng ánh sáng để thể hiện bản thân lý tưởng nhất có thể", T. Makana Chock, giáo sư truyền thông tại Đại học Syracuse (Mỹ) phân tích.
Với những thao tác ai cũng dễ mày mò được, người sử dụng có thể chỉnh sửa các đặc điểm trên gương mặt, cơ thể cho tới khi cảm thấy hoàn hảo. Chẳng hạn, xu hướng chung mọi người sẽ chỉnh cho gương mặt thon gọn, không mụn, không lỗ chân lông, trắng mịn như da em bé; phần chân được kéo dài; bóp bắp tay, eo nhỏ như con kiến; đôi môi hồng hào; mắt to tròn long lanh;...
Đặc biệt, khi filter - bộ lọc hình ảnh trên các ứng dụng ra đời, người dùng chỉ cần mất vài giây là có thể đẹp hơn mà không cần trang điểm.
Không chỉ các cô gái bình thường, giới nghệ sĩ, diễn viên càng đam mê hơn với các app chỉnh sửa bởi hình ảnh của họ luôn phải chỉn chu mỗi khi xuất hiện trước công chúng.
Theo trang Sohu, những năm gần đây, các nhà sản xuất, diễn viên "đốt tiền" làm mịn da, thon mặt trên phim. Ở nhiều tác phẩm, diễn viên nhất định phải trắng, không tì vết, không một nếp nhăn kể cả ở cảnh khóc, cười. Trong Hộc Châu phu nhân, mỗi lần tới cảnh của Dương Mịch, hàng nghìn khán giả cho biết cảm thấy "nhìn mặt cô qua làn sương". Ở Nhất kiến khuynh tâm, mặt Trần Tinh Húc và Trương Tịnh Nghi bị cà tới mất đường nét, trắng lóa mắt. Trong phim Gia Nam truyện, gương mặt của Cúc Tịnh Y nhiều lúc bị nhòe vì chỉnh sửa.
Nhiều quốc gia ra luật cấm chỉnh sửa ảnh
Ngày 7/7 vừa qua, Tổng cục Phát thanh, Truyền hình Trung Quốc đã ra yêu cầu các đoàn phim cần kiên quyết tẩy chay việc lạm dụng bộ lọc để photoshop gương mặt, chỉnh sửa bộ dạng diễn viên.
Đại diện Tổng cục nhắc lại các quy định khác khi làm phim, gồm "không chọn diễn viên lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ", "nghệ sĩ nam không được theo xu hướng thẩm mỹ ẻo lả". Người làm phim cần làm tốt công tác chọn diễn viên, tăng cường bồi dưỡng diễn xuất. Cơ quan chức năng phản đối nhà sản xuất, đạo diễn chỉ căn cứ "lưu lượng" (các sao có chỉ số truyền thông cao, nhiều fan) để chọn diễn viên mà không cân nhắc yếu tố ngoại hình, khí chất, diễn xuất có phù hợp nhân vật hay không.
Khi quyết định mới của giới chức Trung Quốc được đưa ra, ngay lập tức gặp có hàng chục nghìn khán giả nước này phản đối. Lý do là họ thích nhìn những gương mặt đã qua chỉnh sửa và cho rằng việc này gây ảnh hưởng đến trải nghiệm xem phim.
Có thể thấy, việc chỉnh sửa ảnh đã trở nên phổ biến đến mức ăn sâu vào thói quen của mọi người. Song, điều này đã tiềm ẩn không ít hệ lụy, gây hại đến sức khỏe tâm thần của người dùng. Thậm chí, đã xảy ra nhiều trường hợp nam giới tự tử, sốc tinh thần khi gặp mặt ''nàng thơ'' của mình ngoài đời.
Năm 2017, Jasmine Fardouly, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Sức khỏe Cảm xúc thuộc Đại học Macquarie (Australia), đã nghiên cứu tần suất các nữ sinh viên so sánh mình với những người họ nhìn thấy trên mạng xã hội.
"Trong nghiên cứu của chúng tôi, việc so sánh với những người đẹp trên mạng xã hội đặc biệt có hại vì chúng làm tâm trạng phụ nữ trở nên tiêu cực hơn và khiến họ không hài lòng về ngoại hình của mình", Fardouly cho biết.
Cụ thể, khi thấy ảnh người nổi tiếng trên tạp chí hay trên mạng xã hội, người xem hiếm khi nghĩ sâu xa rằng họ có cả một ekip hậu kỳ phía sau. Một mặt, họ coi việc sở hữu vẻ ngoài hoàn hảo giống trên mạng là khả thi, hoặc mặt khác, họ càng mặc cảm hơn về ngoại hình của mình.
Chẳng hạn, cũng trong cuộc khảo sát do Girlguiding thực hiện, 39% cho biết họ cảm thấy khó chịu vì gương mặt ngoài đời thực không thể giống trên mạng.
Trước Trung Quốc, vào tháng 7/2021, Na Uy là quốc gia thông qua luật buộc các nhà quảng cáo và những người có sức ảnh hưởng trên Internet phải gắn nhãn ''ảnh đã qua chỉnh sửa'' khi đăng tải hình ảnh lên mạng. Đạo luật được áp dụng trên các nền tảng mạng xã hội bao gồm Facebook, Instagram, Snapchat, TikTok và Twitter. Nếu vi phạm pháp luật, họ có thể bị phạt tiền hoặc thậm chí là bỏ tù.
Trong đề xuất ban đầu trình lên quốc hội, Bộ Trẻ em và Gia đình Na Uy cho biết những người trẻ tuổi ở nước này đang chịu áp lực lớn về ngoại hình và muốn bản thân phải thật đẹp, dẫn đến chứng biếng ăn. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ ba gây tử vong ở các cô gái trẻ, theo Viện Y tế Công cộng Quốc gia.
"Áp lực về ngoại hình hiện hữu ở mọi nơi, trong nhà và các phương tiện truyền thông. Yêu cầu gắn nhãn các bài đăng quảng cáo đã được chỉnh sửa là biện pháp ngăn chặn vấn đề này. Biện pháp này nhằm mục đích hạn chế tác động tiêu cực mà những quảng cáo như vậy gây ra, nhất là đối với trẻ em, thanh thiếu niên", Bộ Gia đình và Trẻ em Na Uy cho biết.
Theo tờ Verdens Gang, luật mới đã được một số người có sức ảnh hưởng ở Na Uy đón nhận. Thậm chí, một số còn cho rằng nên áp dụng luật mới cho tất cả người đăng ảnh đã qua chỉnh sửa, thay vì chỉ có người nổi tiếng.
Cũng trong năm 2021, Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo của Vương quốc Anh đưa ra lệnh cấm người có ảnh hưởng trên mạng xã hội sử dụng các bộ lọc làm đẹp phi thực tế trong các quảng cáo, theo Glamour.
Năm 2017, Pháp quy định bất kỳ "hình ảnh thương mại nào đã chỉnh sửa để người mẫu trông nhỏ gọn hơn sẽ bị gắn cảnh báo trên đó", theo BBC.
Năm 2014, Quốc hội Mỹ ban hành Đạo luật Sự thật trong quảng cáo, nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi thông điệp tiêu cực về cơ thể lý tưởng. Tuy nhiên, luật này không được thông qua sau đó.
pv (t/h)