Thương ngày nắng về là bộ phim truyền hình có kịch bản được remake từ Mother of Mine (Con gái xinh đẹp của mẹ) - bộ phim gia đình từng gây sốt điện ảnh Hàn 2 năm trước hiện đang thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả bởi nội dung gần gũi, cảm động.
Xem phim, ai cũng có thể thấy mình trong đó, đặc biệt là những cảm xúc về gia đình với mẹ và mối quan hệ giữa các chị em từ nhỏ đến khi trưởng thành.
Thương ngày nắng về kể câu chuyện xoay quanh gia đình bà Nga và 3 cô con gái Vân Khánh, Vân Trang và Vân Vân, trong đó, Vân Trang là cô bé được bà Nga nuôi từ nhỏ sau khi bị mẹ ruột vì muốn có tiền trả nợ cho gia đình đành bỏ con lại vào miền Nam làm vợ cho một người đàn ông giàu có.
* Mẹ của muôn nhà
Chồng mất sớm vì tai nạn giao thông khi đi mua hộp màu vẽ cho cô gái út, bà Nga (NSƯT Thanh Quý) một mình tần tảo với gánh bún riêu nuôi 3 con ăn học. Cô con gái lớn Vân Khánh (Lan Phương thủ vai) làm kế toán, đã có chồng và 2 con.
Lập gia đình gần chục năm, đã hơn 30 tuổi nhưng Khánh không biết sắp xếp, tổ chức cuộc sống. Chồng của cô lại là người tuềnh toàng, trẻ con nên không phụ giúp được vợ việc nhà, vì thế lúc nào nhà Khánh cũng rơi vào tình cảnh rối rắm, lộn xộn.
Do đó, Khánh phải trông cậy hết vào bà Nga, từ việc chuẩn bị cơm nước, dọn dẹp đến đưa đón con đi học. Lâu dần, cả vợ chồng Vân Khánh và kể cả ông bà thông gia xem đây là chuyện hiển nhiên…
Phim Thương ngày nắng về đang chiếu lúc 21 giờ 40 trên VTV3 vào thứ hai, ba, tư trong tuần. Phim do Bùi Tiến Huy, Vũ Trường Khoa đạo diễn với sự tham gia của các diễn viên: NSƯT Thanh Quý, NSND Trung Anh, NSND Minh Hòa, Lan Phương, Hồng Đăng, Huyền Lizzie, Ngọc Huyền, Đình Tú…
Vân Trang (Huyền Lizzie) là cô gái giỏi giang, làm giám đốc marketing cho một công ty lớn, ra ngoài sống tự lập, luôn được bà Nga yêu thương và tự hào. Điều duy nhất ở Trang còn làm bà Nga chưa yên tâm là đã gần 30 nhưng cô vẫn chưa chịu lấy chồng dù bà thường xuyên thúc giục.
Cô gái út Vân Vân (Ngọc Huyền) đang học đại học, yêu vẽ giống cha nhưng không được theo đuổi niềm đam mê của mình. Vân Vân vừa đi học vừa làm thêm và luôn nung nấu giấc mơ được làm nghề mình thích…
Dù các con đã trưởng thành nhưng bà Nga vẫn không ngớt lo lắng vì với bà "là mẹ - bao giờ chết mới hết lo con ạ!". Hằng ngày, bà dậy sớm lo gánh bún riêu rồi tất tả chạy đến nhà Khánh đưa cháu đi học, lo dọn dẹp, cơm nước song lại vội vã quay về nhà chợ búa để chuẩn bị nguyên liệu cho nồi bún bán hôm sau và hàng loạt các việc không tên khác.
Bà luôn chắt chiu, dành hết những điều tốt đẹp nhất cho con, cháu nhưng cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác, bà tiết kiệm chi tiêu cho bản thân, hay cằn nhằn em trai và các con vì thói quen hoang phí hay nhắc riết những chuyện mà bà còn băn khoăn như: Trang sao mãi chưa chịu lấy chồng, Khánh không biết thu xếp việc gia đình, Vân chưa tập trung học hành…
Khi bị Khánh mắng trước mặt thông gia vì giây phút bất cẩn để cháu bị té, bà Nga giận con nhưng hơn lúc nào hết bà cảm nhận được sự mệt mỏi, vất vả của con. "Cháu bà nội, tội bà ngoại", con gái lớn chưa bao giờ dám lớn tiếng với mẹ chồng nhưng lại gieo nỗi đau vào lòng mẹ ruột. Lời yêu thương ít nói nhưng những trách móc, giận hờn lại dễ dàng buông…
* Thêm sức hút từ dòng phim gia đình
Với câu chuyện chân thật, cảm động, ngay từ những tập đầu tiên, Thương ngày nắng về đã tạo được sức hút với khán giả yêu dòng phim gia đình. Phim ghi nhận diễn xuất đều tay của các diễn viên, từ dàn diễn viên gạo cội như: Thanh Quý, Trung Anh, Lan Hương, Minh Hòa đến các diễn viên nhí Diệp Anh, Hồng Nhung cùng những gương mặt trẻ giàu tiềm năng Hồng Đăng, Lan Phương, Huyền Lizzie, Ngọc Huyền, Đình Tú…
Đặc biệt với vai diễn bà Nga, một lần nữa nghệ sĩ Thanh Quý cho thấy khả năng hóa thân tài tình, khắc họa rõ nét, sống động hình ảnh một người mẹ hội đủ những phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt: chăm chỉ, tần tảo, hy sinh tất cả vì con đồng thời bà cũng có những tính xấu mà nhiều bà mẹ hay gặp phải như hay cằn nhằn, nói nhiều, tiết kiệm đến keo kiệt với bản thân…
Bà Nga khiến người xem rơi lệ bởi tình yêu thương vô bờ mà bà dành cho con cũng như những trăn trở, lo toan khi cuộc sống, tương lai của con chưa được như mong muốn. Lời thoại gần gũi của các nhân vật trong phim cũng là một điểm cộng cho Thương ngày nắng về, khiến người xem như cảm nhận được như có mình trong đó, là câu chuyện của mình hoặc những người xung quanh.
Nếu như hơn 2 năm trước đây, bộ phim truyền hình Về nhà đi con gây sốt bởi câu chuyện về người cha "gà trống nuôi con" thì đến Thương ngày nắng về với người mẹ "quốc dân" tần tảo đang được khán giả dành nhiều thiện cảm.
Phim đang bước vào những tập hấp dẫn với hành trình tìm mẹ ruột của Trang, chuyện tình chớm nở của Vân và anh chủ quán cà phê nơi cô làm việc hay những nút thắt trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu của Khánh…
Như chia sẻ của đạo diễn Bùi Tiến Huy với báo chí, các nhân vật trong phim đều trải qua một hành trình dài có rất nhiều khó khăn, thách thức, có cả những mất mát, chia ly…
Những điều đó như những cơn mưa bão xảy đến với cuộc đời mỗi người vậy. Nhưng chính vì đã trải qua những cơn mưa đó thì từng người lại càng thêm quý trọng, thấy thương những ngày nắng…
Relife