Mọi thứ của Mỹm Trần đều thuộc về một cô gái đẹp: gương mặt xinh như búp bê, đường cong mềm mại…cô từng gây "sốc" khi công khai mình là gái chuyển giới.
Mỹm Trần (sinh năm 1997, sinh ra và lớn lên ở TP.HCM) là cái tên quá nổi trong giới trẻ Việt với gần 100.000 lượt theo dõi trên Facebook và gần 200.000 lượt theo dõi trên Instagram. Các trang mạng xã hội của cô có lượt tương tác cao với hàng chục nghìn lượt thích và bình luận trong mỗi bức ảnh đăng tải.
Mỹm Trần nổi tiếng bởi mọi thứ ở cô đều thuộc về một người con gái đẹp: gương mặt đẹp tựa búp bê, đường cong mềm mại, vòng eo con kiến, "đôi gò bồng đào" nảy nở… Cô từng được một số trang báo quốc tế ca ngợi và đặt cho những biệt danh như "búp bê Việt Nam", "Lisa phiên bản Việt" (Lisa là một idol Hàn Quốc)…
Bởi vậy mà cô gái Sài thành từng "gây sốc" cho không ít người khi công khai mình là người chuyển giới. Mang tâm hồn con gái nhưng lại được sinh ra trong hình hài một cậu trai thế nên, cuộc đời cô có những vết thương mà đến giờ vẫn chưa lành sẹo. Trò chuyện với chúng tôi, cô nàng lần đầu chia sẻ về hành trình chuyển giới của mình.
Mỹm Trần nói, cô vốn không muốn tiết lộ những "khúc cua" ngoạn mục của đời mình. Cô chỉ muốn được sống như bao người con gái bình thường khác, đi làm, kiếm tiền, đủ khả năng nuôi sống bản thân và lo cho bố mẹ. Đó là lý do vì sao, những thông tin liên quan đến cô từ trước đến nay rất ít.
"Cuộc sống ngột ngạt muốn chết đi cho rồi"
Mỹm Trần sinh ra trong một gia đình khá giả, thuở nhỏ là một cậu ấm đúng nghĩa khi được bao bọc, chiều chuộng hết mực, vật chất đầy đủ, muốn gì được đó. Thế nhưng, có một thứ cô khao khát có được nhất thì lại bị gia đình cấm cản, đó là làm con gái.
Từ nhỏ, Mỹm đã nhận ra sự khác biệt ở mình. Cô đi đứng, nói năng đều rất nhẹ nhàng, ở trường thì thích chơi với con gái, về nhà thì muốn chơi búp bê, xem hát kịch rồi giả làm công chúa…
Mẹ cô cũng sớm nhận ra sự khác biệt này. Bà tìm mọi cách bao bọc, không cho cô tiếp xúc với nhiều người để không bị tổn thương.
"Mẹ sợ mình giới tính lệch lạc thì sẽ bị thiệt thòi, bị xã hội kỳ thị. Hơn nữa, ngày đó bố mẹ làm ăn lớn, có rất nhiều mối quan hệ, mẹ sợ bị người ta nói ra nói vào.
Hồi nhỏ, mình được mẹ cho học trường quốc tế, mỗi ngày đều có người đưa đi, đón về. Thậm chí, trong giờ nghỉ trưa, thay vì ở lại trường như các bạn, mình cũng được đón về nhà ăn cơm rồi ngủ nghỉ để tránh phải tiếp xúc với nhiều người", cô tâm sự.
Dẫu vậy thì cô vẫn có những mặc cảm và khổ sở của riêng mình. Cô mặc cảm khi các bạn gái xung quanh ai cũng xinh đẹp, được nuôi tóc dài, mặc váy, còn mình thì để tóc đầu đinh, hễ tóc mọc dài quá 3 phân là bị mẹ lôi đi cắt.
Cô được chiều chuộng hết mực nhưng tâm trạng lúc nào cũng nặng trĩu và mệt nhoài vì phải gồng mình lên sống như một chàng trai. Mọi nỗi niềm của mình, cô gửi hết vào nét vẽ, tranh của cô thường là những cô gái xinh đẹp, cũng chính là hình mẫu mà cô muốn trở thành sau này.
Càng lớn, người con gái trong Mỹm Trần càng trỗi dậy. Cô khác với những bạn nam khác, không bị vỡ giọng, cơ thể càng lúc càng nữ tính, thậm chí nếu để tóc dài một chút, cô còn bị nhầm là con gái.
"Thực sự thì mình giống les hơn là gay, vào nhà vệ sinh nam công cộng còn bị người ta nói nữa. Lên cấp ba, mình thường trốn mẹ đội tóc giả, trang điểm rồi chụp hình đăng lên mạng. Có lần cô giáo chủ nhiệm thấy được, mời mẹ lên nói chuyện, mình bị mẹ chửi quá trời, tịch thu hết máy ảnh, máy tính. Mình ngột ngạt đến mức phải lén đăng ký tư vấn tâm lý ở trường, có lúc còn muốn chết đi cho rồi. Đến giờ, tay mình vẫn còn nhiều vết sẹo mà ở thời điểm đó, ngoài tự làm bản thân bị thương, mình không biết làm gì khác", Mỹm Trần chia sẻ.
Relife