Đội vệ sĩ của Tổng thống Nga Vladimir Putin là một đơn vị tinh nhuệ riêng biệt được tuyển chọn kỹ lưỡng trong Cục Bảo vệ Liên bang Nga (FSO). Họ tự gọi mình là “những người lính ngự lâm”, sử dụng súng và thông tin một cách thành thạo cả trong đời thực và thế giới kỹ thuật số.
Cựu vệ sĩ của Tổng thống Vladimir Putin, cựu đại úy FSO Gleb Karakulov, kể với báo Anh The Guardian rằng, FSO là một cơ quan bảo vệ quốc gia hình thành từ năm 1881. Khi đó, Sa hoàng Alexander III thành lập FSO sau vụ tổ chức Narodnaya Volya tổ chức ám sát cha ông. Kể từ đó, FSO hoạt động giống như Cục Mật vụ Mỹ, có thêm nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân.
Yêu cầu nghiêm ngặt về thể chất
Để thực hiện nhiệm vụ, các vệ sĩ của Tổng thống Putin phải đáp ứng các yêu cầu thể chất rất nghiêm ngặt. Họ phải có chiều cao từ 1m75 đến 1m91 và cân nặng từ 75kg đến 90kg.
Khi nghĩ đến các biện pháp bảo vệ cá nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin, một số người có thể tưởng tượng ông ngồi ở một đầu của một cái bàn dài siêu dài như ông thường làm. Những người khác có thể nghĩ đến người thử thức ăn (để tránh bị đầu độc) và người đóng thế. Tất cả những điều đó dường như đúng nhưng chúng không liên quan đến nhiệm vụ của các vệ sĩ của Tổng thống Putin.
Trong khi chiều cao không thể thay đổi thì cân nặng có thể, điều này có nghĩa là các vệ sĩ của ông Putin phải duy trì thể trạng theo yêu cầu. Vệ sĩ sẽ được miễn nhiệm vụ khi họ tròn 35 tuổi.
Về nhiệm vụ trong công việc, vệ sĩ của Tổng thống Putin phải mặc cùng loại áo vest (có đeo cà vạt) trong mọi điều kiện thời tiết dù giá rét hay nóng bức. Theo Russia Beyond (dự án đa ngôn ngữ của Nga được điều hành bởi công ty mẹ hãng tin RT là ANO TV-Novosti do hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti thành lập), lý do là quần áo dày và nặng sẽ cản trở sự di chuyển và có thể khiến vệ sĩ khó phản ứng hơn trong tình huống khẩn cấp.
Về quần áo, vệ sĩ được cho là phải chống lại các yếu tố môi trường đến mức không đổ mồ hôi. Theo truyền thông Nga, vải may áo có thể là loại đặc biệt, thấm mồ hôi cực tốt, hoặc đôi khi vệ sĩ dùng một loại thuốc nào đó giúp họ không đổ mồ hôi. Nicotine dưới dạng thuốc lá cũng được phép sử dụng miễn là không trong giờ làm việc hay huấn luyện.
Kiến thức về ngoại ngữ và chính trị
Một điều thú vị là vệ sĩ của Tổng thống Putin không cần phải trải qua bất kỳ huấn luyện cảnh sát hoặc quân sự nào trước đó. Thay vào đó, họ phải thể hiện “tâm lý hoạt động”, mà một cựu nhân viên an ninh của ông định nghĩa với Russia Beyond là khả năng dự đoán các tình huống nguy hiểm và phản ứng với các mối đe dọa “vô hình”.
Vệ sĩ không phải là người lính chiến đấu trong các tình huống chiến đấu. Tại thời điểm đó, họ đã thất bại trong nhiệm vụ ngăn chặn cơ bản của mình.
Theo Russia Beyond, kiến thức về ngôn ngữ, phong tục và chính trị nước ngoài cũng quan trọng như việc bảo vệ tổng thống về mặt thể chất.
Trong một lần Tổng thống Putin thăm Trung Quốc, đoạn video trên TikTok cho thấy một trong những vệ sĩ của ông thể hiện “tâm lý hoạt động” như vậy bằng cách di chuyển xung quanh ông để định vị lại mình ở phía sau của nhà lãnh đạo. Một trong những vệ sĩ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng ngay sau Tổng thống Putin, điều mà vệ sĩ của ông Putin có thể coi là một mối đe dọa tiềm tàng.
Vệ sĩ Nga nhìn thẳng vào vệ sĩ Trung Quốc để cho người này biết rằng anh ta đang ở đó rồi mỉm cười và gật đầu. Trong trường hợp này, không cần sử dụng ngôn ngữ.
Không chỉ hiểu biết về chính trị và phong tục nước ngoài, người của FSO còn sản xuất các báo cáo tình báo chính thức. Theo The Economist, FSO chịu trách nhiệm phát triển “các biện pháp chiến tranh thông tin, phát hiện, cảnh báo và quản lý hậu quả của các cuộc tấn công máy tính vào các tài nguyên thông tin của Nga”. Các vệ sĩ của ông Putin có lẽ cũng được tiếp cận các báo cáo này, trang tin Mỹ Grunge nhận định.
Vệ sĩ bảo vệ ông Putin khỏi gấu
“Chưa bao giờ có lúc nào ông ấy (Tổng thống Putin) giao cho tôi một nhiệm vụ mà tôi nói 'không' – cựu vệ sĩ Aleksey Dyumin nói với The Economist. Ông Duymin cùng đồng nghiệp (Viktor Zolotov và Oleg Klimentiev) từng bảo vệ Tổng thống Putin khỏi một con gấu vào năm 1999. Ngày 29/5/2024, Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh hành pháp bổ nhiệm ông Dyumin, Thống đốc tỉnh Tula, làm thư ký Hội đồng Nhà nước (cơ quan cố vấn cho Tổng thống Nga), hãng tin Nga Novosti đưa tin.
Năm 2016, Russia Beyond ghi nhận những tin đồn từ lâu rằng FSO đôi khi sử dụng người đóng thế để đảm bảo an toàn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sau đó, Tổng thống Putin thừa nhận rằng ông đã được đề nghị cho đóng thế khi thực hiện một số chuyến đi tới Chechnya khi Nga đang chiến đấu với phe ly khai ở đó vào đầu những năm 2000, nhưng ông đã từ chối.
Bốn “vòng tròn”
Theo Russia Beyond, các vệ sĩ chiếm một trong bốn “vòng tròn” xung quanh nhà lãnh đạo Nga, với mỗi vòng tròn chịu trách nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ nhất định và tuân thủ các quy tắc nhất định.
Vòng tròn đầu tiên bao gồm các vệ sĩ đeo tai nghe, luôn ở gần Tổng thống Putin và hành động như những lá chắn sống nếu ông gặp nguy hiểm. Những người bảo vệ này được yêu cầu giữ tay trước cơ thể và tay trái hơi nhấc lên để giúp họ phản ứng nhanh hơn trong mọi tình huống nguy hiểm.
Tuy nhiên, chính vòng tròn thứ hai của các vệ sĩ mới có vai trò quyết định. Những vệ sĩ này được miễn nhiệm vụ mặc bộ vest và cà vạt bắt buộc; họ mặc thường phục, di chuyển qua đám đông để tìm kiếm các mối đe dọa.
Vòng tròn thứ ba tạo thành một hàng rào xung quanh toàn bộ nhóm người có mặt tại một sự kiện cụ thể và ngăn bất kỳ ai vào và ra khỏi phạm vi.
Và cuối cùng, xạ thủ ngồi trên các điểm cao như mái nhà và soi đám đông phía dưới với súng trường dẫn hướng bằng laser và ngón tay gần cò súng sẵn sàng nhả đạn.
Mặc dù không có thông tin chắc chắn liệu các thành viên đội vệ sĩ của Tổng thống Putin có xoay vòng qua các vòng tròn khác nhau hay không, nhưng có lý do để tin rằng mỗi “người lính ngự lâm” phải thể hiện sự thành thạo khi hoạt động trong mỗi vòng tròn.
Súng ngắn cực mạnh
Vệ sĩ của Tổng thống Nga được yêu cầu mang theo vũ khí, một số vật dụng công nghệ cao (trông khá đơn giản).
Mỗi vệ sĩ, ít nhất là trong vòng tròn từ một đến ba, phải mang theo cùng một loại súng ngắn - súng bán tự động 9 mm SR-1 Vektor (Nga gọi là Gyurza) phiên bản mới. Loại súng trong khiêm tốn này có đủ sức mạnh để đạn bắn xuyên qua 30 lớp Kevlar (vật liệu chống đạn, thường được dùng để sản xuất áp giáp) và bị cấm ở Mỹ, theo Grunge. Súng này có gắn bộ giảm thanh.
Vệ sĩ cũng mang theo các vật dụng bảo vệ chống đạn như cặp sách và ô Kevlar có thể làm lệch hướng đạn.
Một số thiết bị khác thì giống như trong phim Hollywood. Russia Beyond đưa tin rằng, “lái xe cực đoan” (lái xe hợp lý trong điều kiện khắc nghiệt) là một yêu cầu cần thiết cho nhiều vệ sĩ của Tổng thống Putin.
Một số đơn vị trong đoàn tùy tùng của ông Putin còn gồm một đơn vị tác chiến đặc biệt “hạng nặng” mang theo súng trường tự động AK-47, súng phóng lựu, hệ thống tên lửa chống máy bay và một số súng bắn tỉa.
Ưu nhược điểm của súng ngắn SR-1 Vektor
Theo Russian Beyond, phiên bản gần đây của SR-1 Vektor được thiết kế với hộp đạn 9x21mm mạnh hơn, giúp súng có lợi thế hơn so với các mẫu 9x19mm hiện có, như súng lục Glock 17 và Beretta của châu Âu. Về mặt đạn, SR-1 còn vượt trội hơn cả các loại súng ngắn hiện đại của Nga như Yarigin, Makarov…
Cụ thể hơn, loại đạn xuyên giáp tiêu chuẩn dùng cho SR-1 có khả năng xuyên thủng 30 lớp Kevlar, trở thành loại đạn xuyên giáp được sử dụng rộng rãi nhất trong thập niên 90. Nó cũng có thể xuyên thủng một tấm thép dày 4 mm từ khoảng cách 50 mét. Loại đạn này mang lại lợi thế cho những người bảo vệ tổng thống Nga trong một cuộc đọ súng tiềm tàng ở không gian đô thị gần.
Tuy nhiên, đi kèm với ưu điểm này là một nhược điểm. Đạn có đủ hỏa lực để xuyên thủng ngay cả những tấm áo giáp hiện đại, nhưng có khả năng bắn xuyên qua kẻ tấn công rồi trúng vào người qua đường.
PV (t/h)