Phim truyền hình khai thác chủ đề về người chiến sĩ công an, cảnh sát hình sự trong phòng chống tội phạm đang tạo sự thu hút với khán giả.
Bằng cách kể đời thường, xây dựng nhân vật gần gũi đã tạo làn gió mới, mang đến sức hấp dẫn cho những phim này.
Phim "Mặt nạ gương" do Bùi Quốc Việt đạo diễn nhận được nhiều sự quan tâm bởi mạch phim nhanh, tình tiết thú vị, khó đoán.
Phim kể về nữ nhà văn tên Hoa (Lương Thu Trang đóng), cô muốn tìm kiếm chất liệu cho phần truyện tiếp theo của mình về một vụ án xảy ra trong thẩm mỹ viện nên tìm đến bố mình là ông Nghị - một bác sĩ thẩm mỹ có tiếng và Tùng - người bạn thân, cũng là đội trưởng đội trọng án.
Trong quá trình tìm kiếm thông tin, Hoa bị vướng vào một vụ án đặc biệt liên quan đến gia đình cô, khám phá bí ẩn cái chết của mẹ ruột cách đây 20 năm... Mặc dù là phim thuộc loạt "Cảnh sát hình sự" nhưng "Mặt nạ gương" được thể hiện khác hẳn các phim khác trong loạt này.
Phim không tập trung cảnh đánh đấm, máu me, giật gân oán thù giữa các băng nhóm tội phạm nhưng lại khiến người xem hồi hộp, cuốn hút theo chân nhân vật Hoa, Tùng cùng những tình tiết kịch tính, những cú lật gay cấn khai phá mảng tâm lý tội phạm thường ít được khắc họa trên màn ảnh nhỏ Việt.
Đặc biệt, chuyện tình cảm gia đình như tình cha con, tình yêu... được nhấn mạnh trên nền câu chuyện trinh thám.
Phim "Phố trong làng" do NSƯT Nguyễn Mai Hiền đạo diễn nói về Nam (Anh Tuấn đóng) - một chiến sĩ công an chính quy, được cử đến xã Tân Xuân với chức vụ trưởng công an xã.
Tân Xuân là vùng nông thôn hiện đại hóa với tốc độ nhanh, người dân giàu do bán đất và cũng từ đây xuất hiện các tệ nạn về cờ bạc, mại dâm... Không khô khan, cứng nhắc như thường thấy trong các phim trước, hình ảnh công an Nam được thể hiện gần gũi, trẻ trung và rất đời thường. Đây là điểm khiến phim hấp dẫn.
Trong khi đó, phim "Kẻ tàng hình" của đạo diễn Thái Trình lấy cảm hứng và tư liệu từ các vụ án ma túy lớn đã được phá thành công tại TP HCM, Đà Nẵng và Hà Nội trong 10 năm qua.
Ngoài lột tả cuộc đấu tranh giữa tội phạm và cảnh sát, phim bóc trần các góc khuất tối tăm trong tâm hồn con người trước những cám dỗ vật chất.
Sự thiếu thốn tình cảm gia đình, những ước mơ dang dở, giấc mộng tình yêu..., tất cả đều có thể trở thành động cơ và xô đẩy con người trượt dài trên con đường tội phạm.
Cả 3 phim cùng khai thác về công an, hình sự, tội phạm nhưng lại mang màu sắc khác nhau tạo sự đa dạng, hấp dẫn riêng.
Các phim này đều có nhiều sự thay đổi trong cách kể, xây dựng nhân vật, mang đến những yếu tố đời thường khiến hình ảnh người công an, cảnh sát hình sự trở nên chân thật hơn.
Mạch phim cũng nhanh, gọn mà vẫn đầy đủ những điều cần truyền tải, không lan man thường thấy trong phim truyền hình Việt.
Relife