Thay vì đưa con đến rạp xiếc đông đúc, nhiều gia đình đã chọn cách mời các ảo thuật gia về nhà biểu diễn vào những dịp như: ngày quốc tế thiếu nhi; ngày rằm trung thu hay sinh nhật. Nhu cầu ngày một nhiều nên nghề ảo thuật biểu diễn tại gia đã trở thành sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ.
Để có thể biểu diễn thành thục, những diễn viên này đã phải trải qua quá trình tập luyện rất vất vả, không chỉ đổ mồ hôi, mà nhiều khi còn phải đổ cả máu. Ảo thuật gia Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1996 (quê Nghệ An) chia sẻ: "Có lần em tập thổi lửa, lửa chẳng may bắn ra xa khiến chiếc quạt của em bị cháy".
Lần khác, khi tập tiết mục biến chiếc gậy trong tay thành chiếc gậy Tôn ngộ không, Trường cũng bị gậy bật vào mắt, sưng mấy ngày liền. Trường chia sẻ: "Làm nghề này, nếu không có đam mê thì không thể trụ được lâu dài".
Nguyễn Văn Trường biểu diễn và giao lưu với các khán giả nhỏ
Không chỉ thổi lửa, biến hình chiếc gậy mà Trường còn thường xuyên biểu diễn tiết mục tung chim lên trời rồi chim lại bay về điểm xuất phát. Trường cho biết: "Để huấn luyện thành thục một chú chim phải mất ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm. Trong khoảng thời gian đó chuyện chim bay lên rồi bay luôn cũng không phải là hiếm".
Cũng theo nghề ảo thuật nhưng Bùi Văn Hiếu, sinh năm 1992 (Hà Nội) lại học và biểu diễn những màn ảo thuật khó và phức tạp hơn. Hiếu chia sẻ: "Em thường biểu diễn những tiết mục như cắt người ra làm đôi, làm 3 khúc; đâm giáo hay lồng giao qua người. Mỗi lần mua dụng cụ biểu diễn mới em mất ít nhất từ vài chục cho đến cả trăm triệu đồng".
Hiếu cho biết nếu muốn giữ được mối khách quen thì thường xuyên phải thay đổi và nâng cấp bài diễn của mình để cho khán giả cảm giác mới mẻ. Đầu tư là thế nhưng mỗi show diễn trừ hết các khoản chi phí, Hiếu bảo chỉ thu về được khoảng 500 nghìn đồng. Ngày nhiều nhất diễn viên có thể chạy 3 show, nhưng có ngày, thậm chí là nhiều ngày không có show nào cũng là chuyện bình thường.
Không tốn tiền đầu tư dụng cụ như Hiếu, nhưng Nguyễn Văn Quyền, sinh năm 1994 (Hải Hậu, Nam Định) lại phải mất rất nhiều thời gian tập luyện cũng như tư duy thế nào để gây cười. Quyền cho biết: "Khán giả của em được chia thành hai loại: Người lớn và trẻ em. Nếu biểu diễn cho trẻ em thì mình cần chú trọng tính chất gây cười còn biểu diễn cho người lớn thì lại phải đầu tư về kỹ thuật rất kỹ càng".
Cũng theo Quyền chia sẻ thì hiện nay ở Hà Nội, những team (đội) làm dịch vụ này rất nhiều. Chính vì thế việc cạnh tranh giữa các nhóm để có được khách hàng cũng rất gắt gao. Nếu không thực sự cố gắng và cầu tiến thì tự khắc sẽ bị đào thải.
Relife