Có rất nhiều lý do để "Squid Game - Trò chơi con mực", trở thành bộ phim của năm, và trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều trong năm 2021.
Cuộc chiến sinh tồn ở hiện thực khốc liệt như trên phim
Sức hấp dẫn nhất của "Squid Game" (tựa Việt: Trò chơi con mực) là những cuộc chiến sinh tồn khốc liệt. 456 người cùng khổ, tham gia lần lượt các trò chơi, mỗi trò chơi đều đặt họ vào lằn ranh sinh tử cận kề, người chiến thắng cuối cùng sẽ giành 45,6 tỉ won (khoảng hơn 875 tỉ đồng).
Bức tranh bi hài được phác họa khi đặt con người đứng trước lằn ranh sinh tử, cho đến lúc ấy mỗi người mới bộc lộ rõ bản chất của mình, có cả sự yêu thương cao thượng, cả những toan tính thấp hèn.
"Squid Game" ngay khi ra mắt đã lập kỷ lục về lượt người xem trên khắp thế giới. Giới phê bình đánh giá phim là cú bứt phá xuất sắc của người Hàn trước cách họ tư duy về cuộc sống, về thế giới quan và nhân sinh quan. Khép lại năm 2021, "Squid Game" với những kỷ lục và ấn tượng để lại đã trở thành bộ phim của năm. Phim được đề cử 3 giải Quả Cầu Vàng - để cả thế giới một lần nữa kinh ngạc trước góc tư duy, làm phim của Hàn Quốc. Họ đã có những bước tiến xa nhờ đội ngũ biên kịch, đạo diễn, và dàn diễn viên xuất sắc.
Kịch bản của "Squid Game" đã phản ánh chân thực cuộc sống đương đại để mỗi khán giả khi xem đều có thể thấy mình trong đó. Những người chơi bị dồn đến đường cùng, chấp nhận những thử thách sinh tử đẫm máu, nhưng quyết không từ bỏ, vì "cuộc sống ở ngoài kia cũng khủng khiếp không kém".
Áp lực của việc kiếm tiền, mưu sinh ngày càng lớn. Sức cạnh tranh, đào thải trong môi trường công sở khốc liệt. Việc mỗi ngày đến công ty cũng giống như quăng mình vào một cuộc chiến sinh tồn. Rất nhiều khán giả khi xem phim đã để lại bình luận, cuộc sống mà họ đang trải qua mỗi ngày, cũng chà đạp lên nhau, cũng cuồng loạn trong cơn mưu sinh, không khác gì "Trò chơi con mực".
Năm 2021, thế giới còn chứng kiến cuộc khủng hoảng chưa từng có vì dịch bệnh. Đại dịch COVID-19 với những biến thể mới, tràn qua nhiều quốc gia, châu lục, nhấn chìm nhiều cuộc đời trong khó khăn, mất mát.
Trên khắp thế giới, trong suốt 12 tháng kéo dài, là những cuộc khủng hoảng sự sống, khủng hoảng vaccine, khủng hoảng thất nghiệp... Cuộc chiến sinh tồn chưa bao giờ khốc liệt đến thế.
Tính đến ngày 15.12, trên thế giới, số người tử vong vì COVID-19 đã vượt con số 5 triệu người. Tổ chức Y Tế Thế giới cảnh báo số người chết vì COVID-19 trên thực tế có thể cao hơn gấp 2-3 lần so với số liệu chính thức mà các quốc gia công bố. Theo một ước tính của tạp chí kinh tế The Economist, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 17 triệu nạn nhân.
Trong những ngày cuối cùng của năm cũ 2021, biến thể Omicron vẫn tiếp tục hoành hành, đẩy nhân loại vào những khủng hoảng mới. Vaccine và cuộc chiến sinh tồn với bệnh dịch vẫn chưa thể kết thúc, mà ngày càng phức tạp hơn.
Mỗi chúng ta đều đang chơi "Squid Game" theo cách của mình
Sống sót qua đại dịch chính là cuộc sinh tồn khốc liệt mà cả nhân loại đang phải chiến đấu mỗi ngày. Đại dịch dạy cho mỗi chúng ta cách tự bảo vệ mình, cách giữ khoảng cách với những người xung quanh, đại dịch còn thay đổi nếp sinh hoạt, thay đổi tư duy của mỗi chúng ta về cuộc sống, về các mối quan hệ, về cả cách tiêu tiền và kiếm tiền. Đó chính là bản chất của một cuộc sinh tồn.
Thế giới đang chứng kiến những thay đổi chưa từng có, và chịu những tác động chưa từng có. Các chuyên gia tâm lý phân tích, bản thân mỗi chúng ta khi đi qua đại dịch, cũng sẽ vĩnh viễn thay đổi, nhiều thói quen cũ phải từ bỏ, nhiều thói quen mới được thiết lập, và cả cách suy nghĩ về cuộc sống cũng sẽ khác đi.
Đó chính là cách để chúng ta sinh tồn trước những biến động, những mất mát không ai có thể lường.
Và mỗi người chơi "Squid Game" theo cách của mình.
Relife