Với mong muốn có không gian nghỉ dưỡng mỗi dịp lễ, tết, một nhóm bạn thân đã chi 2 tỷ đồng để xây dựng và cải tạo mảnh đất bỏ hoang thành khu nhà vườn xanh mát, giảm bớt cảm giác "cuồng chân".
Cách đây một năm, chị Hồng Phúc cùng 4 người bạn thân là Thu Trang, Kim Dung (cùng ở Hà Nội), Phương Thư và Chi Lan (cùng đến từ TPHCM) quyết định "bỏ phố về quê".
Họ tới mảnh đất Buôn Mê Thuột đầy nắng gió để dựng nhà, làm vườn, xuất phát từ mong muốn có không gian nghỉ dưỡng an toàn, thú vị cho gia đình trải nghiệm trong mùa dịch.
Trước đây, chị Phúc cùng gia đình và bạn bè từng vi vu, khám phá nhiều nơi nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi kế hoạch du lịch đành phải tạm gác lại. Chị cùng những người bạn của mình quyết định tìm cách khác để gia đình, đặc biệt là hai cô cháu gái nhỏ Kem và Ni có cơ hội trải nghiệm, tiếp xúc với thiên nhiên.
Sau thời gian tìm hiểu, cả nhóm lựa chọn một mảnh đất rộng rồi cải tạo "thần tốc" thành nơi "trốn dịch" có thế "tựa núi nhìn sông" đẹp như resort. Từ khi có khu nhà vườn rộng rãi, xanh mát, các thành viên chẳng cần đi đâu xa mà vẫn có không gian nghỉ ngơi, thư giãn tuyệt vời, thoải mái "vi vu" mà vẫn tiết kiệm chi phí.
"Trước đây, mình thường mất khá nhiều thời gian để tìm địa điểm đưa gia đình đi nghỉ dưỡng, du lịch vào mỗi dịp lễ, tết, cuối tuần. Nhưng sau này, chỉ cần muốn, là cả nhà "xách balo lên và về Nhà bên hồ".
Đây là ngôi nhà thứ hai, vừa có không gian đẹp, thanh bình vừa có sự ấm áp, gần gũi, khác hẳn việc đi du lịch, nghỉ dưỡng ở nơi khác", Hồng Phúc - một thành viên trong nhóm chia sẻ.
Sau khoảng nửa năm cải tạo và xây dựng, mảnh đất vốn bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm đã được "hô biến" không gian nghỉ dưỡng xanh mát, tràn đầy sức sống. Tại đây, các cô gái có thể cùng nhau trải nghiệm bơi thuyền, câu cá, nấu ăn ngay ven hồ, hoặc có thể cắm trại, tổ chức các buổi chiếu phim ngoài trời…
"Chúng mình còn xây dựng không gian trồng rau sạch để sau mỗi chuyến nghỉ dưỡng có thể thu hoạch, đem về thành phố", Chi Lan chia sẻ. "Về đây, sống hòa mình vào thiên nhiên làm ai cũng quên đi muộn phiền, lo toan công việc. Các bạn nhỏ được trải nghiệm trồng rau, làm vườn, hưởng cảm giác bình yên thôn quê", cô nói thêm.
Trên mảnh đất rộng 1.150m2 nằm ven hồ, 5 cô gái quyết định phân chia diện tích, thiết kế thành 3 khu vực chính gồm cụm nhà gạch trắng, cụm nhà gỗ và cụm sân vườn trước - sau với mong muốn hướng đến lối sống xanh, hạn chế bê tông hóa.
Trong quá trình xây dựng nhà gạch, nhóm bạn cũng tiến hành cải tạo vườn, bố trí các khu vực ngoài trời và phủ xanh không gian. Những loại cây leo giàn như bầu, bí, mướp, dưa chuột,... được ưu tiên vì dễ trồng, dễ chăm lại cho thu hoạch nhiều lần.
Cầu cảng gỗ được thiết kế kéo dài sát mép hồ với mặt sàn diện tích 3x3m, đủ để cắm 1 lều trại thư giãn khi cần. Ngoài ra còn có một nhà tắm lộ thiên làm nơi thay đồ, "sống ảo" sau khi chèo sup (chèo thuyền đứng) dưới hồ và một nhà gỗ nhỏ phía trước để bảo vệ hoặc tài xế ngủ lại mà không phá vỡ cảnh quan chung.
Xung quanh khu đất được xây hàng rào trắng, phía khu sát mép hồ được dựng hàng rào nâu, vừa tăng tính thẩm mỹ cho không gian nghỉ dưỡng, vừa đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ khi chạy nhảy hay chơi đùa gần các khu vực này.
Ở khu vực sân vườn trước và sau, nhóm bạn nghiên cứu trồng nhiều giống bản địa, giá thành rẻ và dễ chăm, sử dụng các loại cây cỏ, hoa lá để phủ xanh mặt đất.
Riêng vườn được thiết kế thành 10 ô trồng rau, 3 giàn leo chính, xen kẽ là các loài hoa nhiều màu sắc như hoa hồng, hoa cánh bướm, hoa lài Nhật, hoa mười giờ,... vừa cung cấp nguồn rau trái sạch, vừa làm đẹp cảnh quan.
Đặc biệt, nhóm bạn còn "chơi lớn" đầu tư hệ thống điện âm sân vườn đạt chuẩn kèm hệ thống đèn chìm lẫn với cỏ, vừa tạo không gian thư giãn ấn tượng, vừa khắc phục được tình trạng sân vườn thiếu ánh sáng hoặc ánh sáng phân bổ không tốt vào ban đêm
Giáng sinh năm nay, chị Chi Lan - một thành viên trong nhóm đưa hai cô cháu gái nhỏ là bé Kem (5 tuổi) và bé Ni (3 tuổi) tới nhà vườn bên hồ để vui chơi, khám phá.
Để hai bé không cảm thấy nhàm chán, các thành viên còn sáng tạo nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho chúng khám phá như trang trí nhà cửa, trồng rau, câu cá, chăm sóc vườn,... Hai bé cũng được hướng dẫn cách trồng trọt hay tìm hiểu nguồn gốc của thức ăn hàng ngày, từ đó nuôi dưỡng tình yêu với thiên nhiên, cây cỏ và thêm trân quý sức lao động.
Hai cô cháu gái của chị Chi Lan thích thú khi được trải nghiệm ở nhà vườn ven hồ. Tại đây, chúng được tự tay trang trí từng góc vườn, học cách trồng và chăm sóc cây cối cũng như nuôi dưỡng tình yêu với thiên nhiên.
Từ khi tới đây trải nghiệm, bé Kem và bé Ni từ bỏ được thói quen sử dụng các thiết bị điện tử giải trí như điện thoại, tivi,... và học hỏi thêm được nhiều kiến thức bổ ích về cuộc sống.
Không gian cụm nhà gỗ được đầu tư trang trí nhất với nhiều góc "sống ảo" ấn tượng.
Nhà vườn xanh mát thoáng đãng trở thành chốn nghỉ dưỡng quen thuộc nhưng không nhàm chán nhờ được "thay áo mới" vào mỗi dịp đặc biệt như Giáng sinh, Tết cổ truyền,...
Theo chia sẻ của các thành viên trong nhóm, chi phí thiết kế và xây dựng cả 3 cụm nhà và sân vườn là 2 tỷ đồng.
Hiện, hai thành viên đang sống tại Buôn Ma Thuột là Phương Thư và Hồng Phúc thay phiên qua lại chăm sóc khu nhà. "Chúng mình cũng thuê thêm bác bảo vệ, quản gia để trông coi và chăm sóc khu nhà, nhân viên chăm sóc vườn mỗi ngày. Chi phí mỗi tháng khoảng 15 - 25 triệu đồng", Chi Lan cho biết thêm.
"Nhiều người cho rằng, chúng mình đầu tư một nơi nghỉ dưỡng để lâu lâu mới về ở như vậy thì quá tốn kém. Nhưng với chúng mình, đây là không gian để giải tỏa áp lực cuộc sống, hòa mình với thiên nhiên, thỏa mãn đam mê. Đó là những giá trị không thể tính bằng tiền được", các cô gái chia sẻ.
Relife