Chi phí chơi golf ở Việt Nam là con số có thể khiến dân văn phòng 'rùng mình', riêng tiền thẻ hội viên đã hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đó là lý do vì sao nhiều người gọi golf là bộ môn thể thao của những người giàu.
Golf là bộ môn thể thao được xếp vào hàng "quý tộc" vì vậy chi phí cho mỗi lần chơi golf cũng được xếp vào dạng "tốn kém". Trong đó, giá thuê sân Golf một lần lên sân sẽ bay tối thiểu là 50 - 200 USD/lần chưa kể giá của các dụng cụ, giá thuê dịch vụ Golf,… đều khá đắt đỏ.
Trung bình, mỗi trận golf sẽ bao gồm thẻ hội viên, phí thuê sân golf, chi phí thuê xe/thuê caddies golf và chi phí học golf.
Với người mới bắt đầu chơi golf, chi phí còn đội lên khá nhiều. Bởi tất cả các khoản từ việc học chơi, trang phục, bộ gậy... đều phải đầu tư.
Trước hết, để có thể tự tin cầm gậy ra sân, bạn phải học. Một khóa học golf cơ bản kéo dài khoảng 3 tháng có mức phí 1.000 đến 2.000 USD trong khoảng 3 tháng (khoảng 20 - 40 triệu đồng). Nếu bạn thuê thầy có tên tuổi thì mức phí sẽ cao hơn nhiều. Bạn cũng phải bỏ tiền thuê sân, thuê bóng, thuê gậy (nếu chưa có) trong quá trình học.
Để chơi golf, khoản đầu tư ngốn nhiều tiền nhất là bộ gậy đánh golf. Thường một bộ gậy golf ở mức trung bình sẽ có giá dao động quanh mức 1.500 - 2.000 USD. Gậy xịn hơn có thể lên tới hàng chục nghìn đô. Tuy nhiên lúc mới bắt đầu, golfer chỉ cần lấy bộ gậy cũ hoặc của các hãng tầm trung để có thể giảm bớt chi phí. Thậm chí, nhiều golfer chọn cách không mua gậy mới mà bỏ ra 25 USD để thuê gậy chơi golf.
Sở dĩ giá gậy golf luôn "trên trời" như vậy bởi chúng được thiết kế rất tinh xảo, chất liệu cao cấp và thể hiện được phong cách, nâng tầm đẳng cấp cho người chơi Golf. Một số hãng Golf nổi tiếng có thể kể đến như Honma, Taylormade, XXIO, Grand Prix,... đều được thiết kế rất tinh xảo và tỉ mỉ, thể hiện được sự sang trọng và quý phái như chính bộ môn Golf mang lại.
Ngoài ra người chơi cũng cần chi một khoản cho thời trang golf. Khoản này golfer có thể tự quyết định việc mua hàng chính hãng hay hàng Việt Nam xuất khẩu để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, người "sụt hố" càng sâu thì mức độ chịu chi cho trang phục càng lớn, do vậy chi phí cho trang phục và phụ kiện sẽ ngày một lớn hơn theo thời gian.
Trong mỗi trận golf, khoản chi phí lớn nhất bạn phải chi chính là phí thuê sân. Lý do là vì các sân golf đều được đầu tư rất lớn vào cơ sở vật chất, nhân sự theo những quy chuẩn thiết kế quốc tế cao cấp nhất. Khi trả phí thuê sân, người chơi không chỉ phải trả về mặt bằng, diện tích để chơi golf mà còn trả cho các yếu tố có thể gọi là về tinh thần như khung cảnh thiên nhiên, không khí trong lành.
Nếu là khách vãng lai trả tiền sân cho mỗi lần đánh, chi phí chơi golf sẽ rất đắt, khoảng 2-3 triệu đồng mỗi buổi (có thể cao hơn vào cuối tuần). Khách còn phải trả tiền thuê xe điện, thuê caddy (nhân viên kéo gậy) và tip cho họ, tốn thêm hàng triệu đồng nữa.
Vì vậy hầu hết mọi người mua thẻ hội viên của sân, giá khoảng từ 100 triệu đồng mỗi năm, những sân golf cao cấp có mức thẻ hội viên 20 - 25.000 USD (khoảng 400 - 500 triệu đồng) cũng không có gì lạ. Nhiều người mua thẻ thời hạn 20 năm, giá sẽ mềm hơn, mức tối thiểu cũng xung quanh 1 tỷ đồng.
Hiện nay với sự cạnh tranh của các sân golf, mức này có thể giảm đi nhưng không quá nhiều. Với các sân golf đẳng cấp, riêng tư đặc biệt, giá còn có thể lên tới 50 - 60.000 USD.
Ngoài những chi phí nêu trên, còn có một số khoản chi phí mà các golfer sẽ phải chi trả nếu thời gian chơi golf kéo dài trong nhiều giờ đó là phí ăn uống và một số dịch vụ giải trí khác như phòng nghỉ... Thông thường, các sân chơi golf sẽ có khu vực nhà hàng để các golfer nghỉ ngơi ăn uống. Chi phí của các bữa ăn này sẽ khoảng từ 1 triệu đồng trở lên.
Trên đây là những chi phí mà mỗi người chơi có thể tham khảo để chi trả cho một lần lên sân golf. Tuy nhiên, đối với những golfer lão luyện, hoặc với những đại gia chịu chi thường quan tâm đến chất lượng của dịch vụ hơn là giá cả. Vì vậy, mức ngân sách cho một buổi chơi Golf của tầng lớp này thường khá thoải mái và chi phí một buổi chơi Golf của họ là con số không nhỏ tạm tính sơ sơ sẽ không thể dưới 400 - 500 USD/lần cho những người chơi phổ thông.
Bên cạnh những đại gia lắm tiền nhiều của thường đến sân golf để giải trí thì cũng không thiếu những cô gái trẻ tìm đến sân golf với nhiều mục đích khác nhau. Vì chơi golf ngốn số tiền "khủng" nên nhiều người nghi ngờ những cô gái trẻ thường xuyên đến sân gofl check in sang chảnh là có mục đích khác.
Relife