Để giải khát mùa hè, chúng ta không nên uống đồ mát có đường quá nhiều, nước trà ủ tủ lạnh là một lựa chọn hết sức tuyệt vời.
Chuyên gia dinh dưỡng Cố Trung Nhất, Giáo sư tại Bệnh viện Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Trung Quốc chia sẻ: Ông thường ủ trà với nước mát tinh khiết ở nhiệt độ phòng mỗi tối, để trong ngăn mát tủ lạnh, sáng hôm sau lấy ra uống, rất dễ chịu. Tuy nhiên, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Liệu cách pha trà như vậy có hại cho sức khỏe hay không?
Là một chuyên gia dinh dưỡng, ông đã đi tìm hiểu kỹ và thấy rằng thành phần của trà pha lạnh thực sự có phần khác so với trà pha nóng, chẳng hạn như:
Ít caffeine hơn
Các nghiên cứu phát hiện pha trà trong nước lạnh làm giảm đáng kể hàm lượng caffeine. Ngay cả trà ủ 10 giờ trong nước lạnh cũng ít caffein hơn so với trà ủ nước nóng vài phút.
Nguyên nhân là caffein dễ bị hòa tan hơn khi gặp nước nóng, đặc biệt khi nhiệt độ nước trên 80°C, nó sẽ bị hòa tan một lượng lớn, nhưng khó hòa tan hơn trong nước lạnh. Một số người nhạy cảm với caffein, họ sợ không ngủ được khi uống trà, nên uống trà ủ lạnh sẽ tốt hơn rất nhiều.
Hoạt động chống oxy hóa mạnh hơn
Nhiều nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số loại trà khi pha lạnh có hoạt tính chống oxy hóa mạnh hơn trà pha nóng, chẳng hạn như trà đen, trà xanh, trà trắng, trà ô long... và có khả năng quét các gốc tự do trong ống nghiệm mạnh hơn.
Mặc dù các nghiên cứu trong ống nghiệm không thể phản ánh đầy đủ tình hình thực tế trong cơ thể, nhưng chất chống oxy hóa trong thực phẩm có một số tác động tích cực đến sức khỏe. Trong đó trà có lợi cho sức khỏe có liên quan đến hoạt động chống oxy hóa của nó.
Ít đắng hơn, ngọt ngào hơn
Nghiên cứu cũng cho thấy trà được pha trong nước lạnh có vị đắng yếu hơn và mang lại cảm giác ngọt hơn khi uống. Điều này là do trong quá trình ủ lạnh, các vị đắng như cafein và tanin hòa tan ít hơn, nhưng các axit amin có vị ngọt và tươi sẽ hòa tan nhanh hơn. Do đó, những người không thích vị đắng của trà pha nước nóng thì nên lựa chọn trà ủ lạnh.
Nước trà màu sáng hơn và có mùi thơm
Nước của trà pha lạnh có màu nhạt và trong hơn. Ngoài ra, hương thơm của trà pha lạnh đậm đàn và giữ được lâu hơn.
Những người đã nghiên cứu trà Enshi Yulu (một loại trà xanh hấp đặc biệt) đã phát hiện ra rằng nó có hương hoa mạnh và ngọt ngào khi pha nóng, và hương thơm trái cây tươi mát khi pha lạnh. Điều này liên quan đến các loại chất thơm khác nhau do trà phát ra khi ở nhiệt độ nước khác nhau.
Thích uống trà nóng không phải là một thói quen tốt
Một lợi ích khác của trà pha lạnh là nó có thể giúp bạn không phải uống trà nóng. Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng nước và thực phẩm trên 65°C là chất gây ung thư loại 2A, có nghĩa là nó có thể gây ung thư cho cơ thể con người.
Vì niêm mạc thực quản của chúng ta tương đối mỏng manh, nếu bạn thường xuyên ăn và uống đồ nóng, nó sẽ làm bỏng thực quản nhiều lần, dẫn đến nguy cơ ung thư thực quản cao hơn.
Trà sau khi ngâm quá lâu thì nitrit có vượt quá tiêu chuẩn không?
Nhiều người cho rằng, trà để qua đêm không uống được do hàm lượng nitrit cao. Để tìm đáp án cho băn khoăn này, một phóng viên CCTV của Trung Quốc đã đến một quán trà ở Bắc Kinh và chọn 3 loại trà mà mọi người thường uống để làm thí nghiệm: Long Tỉnh, Phổ Nhĩ và Hoa Cúc.
Vào ngày đầu tiên của cuộc thử nghiệm, phóng viên đã pha 3 loại trà vào lúc 9 giờ sáng và 9 giờ tối rồi để chúng trong một khoảng thời gian. Sau 12 giờ và 24 giờ, trà không bị biến chất và vẫn giữ được hương vị ban đầu. Ngoài ra, so với trà mới pha, trà Phổ Nhĩ để qua đêm thậm chí còn có vị ngon hơn.
Sau đó, phóng viên đã gửi mẫu trà đến Viện Dinh dưỡng Bắc Kinh để kiểm tra hàm lượng nitrit. Dữ liệu cho thấy trà Phổ Nhĩ và Hoa Cúc, dù mới pha hay để qua đêm, hàm lượng nitrit đều nhỏ hơn 0,2mg/L. Hàm lượng nitrit trong trà Long Tỉnh để qua 24 giờ đã tăng lên 0,26mg/L nhưng vẫn đạt tiêu chuẩn an toàn.
Ngoài ra, họ còn nhận ra rằng một cốc nước đun sôi thông thường và một cốc trà, sau một đêm, hàm lượng nitrit trong nước đun sôi sẽ cao hơn. Điều này là do trong trà có chứa nhiều polyphenol, một chất chống oxy hóa tự nhiên có thể cản trở sự hình thành nitrit.
Vì vậy, không cần quá lo lắng về việc trà ủ lâu có chứa quá nhiều nitrit hay không. Tất nhiên, thời tiết nóng nực vào mùa hè, và trà nóng có thể sinh vi khuẩn sau khi được giữ ấm trong thời gian dài. Theo quan điểm này, tốt hơn là nên uống sớm.
PV (T/h)