Phở là món ăn thơm ngon, được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, có những người không nên ăn hoặc phải hạn chế ăn món này.
Những người không nên ăn phở
- Người bị bệnh tiểu đường
Phở thường có lượng carbohydrate cao (chủ yếu đến từ bánh phở). Carbohydrate có thể làm đường huyết tăng đột biến. Đây là điều không tốt cho những người đang bị bệnh tiểu đường.
Người bị bệnh tiểu đường nên chọn những món ăn có hàm lượng carbohydrate thấp hơn, thay thế bánh phở bằng các loại thực phẩm có chỉ số glycemic (chỉ số đường huyết) thấp hơn hoặc chỉ ăn với một lượng vừa phải và có sự theo dõi đường huyết sau khi ăn.
- Người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp
Phở là món ăn ngon nhưng thường có hàm lượng natri cao do trong quá trình nấu nướng được nêm nhiều mắm, muối cùng các loại gia vị khác. Lượng natri cao có ảnh hưởng không tốt đến tim mạch, gây căng thẳng cho tim, làm tăng huyết áp, đặc biệt với những người có bệnh lý tim mạch.
Người bị bệnh tim mạch, người có tiền sử cao huyết áp nên chọn loại nước dùng phở ít muối hoặc có thể tự nấu phở tại nhà để kiểm soát lượng gia vị gia giảm cho món ăn.
- Người thừa cân, béo phì
Phần nước phở, bánh phở, thịt bò hoặc gà cung cung cấp rất nhiều năng lượng. Ăn phở không kiểm soát khẩu phần ăn cũng có thể dẫn tới tình trạng tăng cân. Người thừa cân, béo phì nên chọn loại phở ít calo, không sử dụng nước béo, ví dụ như phở gà và nên ăn kèm với nhiều loại rau xanh để tăng cường chất xơ, giúp giảm lượng calo nạp vào cơ thể.
- Người mắc bệnh gout
Phở bò, đặc biệt là phần gân, có thể cung cấp nhiều purin. Chất này sẽ làm tăng axit uric trong cơ thể và khiến tình trạng bệnh gout trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, người bị bệnh gout nên hạn chế ăn phở bò, có thể chọn phở gà hoặc các loại phở khác ít purin, ăn phở với lượng vừa phải.
- Người có vấn đề về dạ dày
Đối với những người có vấn đề về dạ dày, phở là món ăn khá khó tiêu do phần nước dùng chứa nhiều mỡ, gia vị. Ăn phở, nhất là vào buổi sáng, khi chưa ăn bất cứ thứ gì, có thể gây ra tình trạng khó chịu ở dạ dày.
Người có vấn đề về dạ dày chỉ nên ăn phở với lượng vừa phải, hạn chế sử dụng các loại thịt mỡ.
Một số lưu ý khi ăn phở
Phở bò có hàm lượng tinh bột và chất đạm khá cân đối. Phần nước dùng chứa lượng chất béo nhiều đáng kể. Một bát phở có thể cung cấp năng lượng ngang với lượng cơm ăn trong những bữa chính.
Một bát phở bò với khoảng 140 gram bánh phở, 100 gram thịt bò, 350ml nước dùng kết hợp với hành tây, hành lá, mỡ có thể cung cấp 350-400 kcal, cùng các protein, đường, muối, chất xơ. Tuy nhiên, một bát phở thông thường có lượng chất xơ rất thấp (chỉ khoảng 0,4 gram). Trong khi đó, lượng muối trong phở lại cao.
Thường xuyên ăn phở sẽ gây ra tình trạng thiếu chất xơ cần thiết, cơ thể không được nhận đủ các loại vitamin, khoáng chất cần thiết.
Phở là món ngon nhưng bạn không nên ăn thường xuyên mà cần phải đa dạng thực phẩm, món ăn trong chế độ ăn uống.
Đặc biệt, lượng muối trong phở khá nhiều. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi người chỉ nên dùng 5 gram muối/ngày. Nếu ăn hết một bát phở cùng với các bữa ăn khác trong ngày, bạn có thể gặp tình trạng thừa muối. Ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như cao huyết áp, tim mạch, sỏi thận, làm tăng nguy cơ bị loãng xương...
Lượng muối trong phở chủ yếu nằm ở phần nước dùng. Để hạn chế nạp quá nhiều muối trong khi ăn phở, bạn không nên uống hết phần nước mà chỉ thưởng thức một chút.
Ngoài ra, nếu đã ăn phở vào buổi sáng, bạn nên giảm lượng muối trong các bữa khác trong ngày.
Nên đa dạng thực phẩm, đa dạng món ăn trong chế độ ăn uống, không ăn phở trong thời gian kéo dài vì có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng.
PV (T/h)