Hàm lượng đạm của lạc sánh ngang với các loại thực phẩm từ động vật như trứng, sữa. Lạc cung cấp protein và chất xơ, chúng cũng là một nguồn tuyệt vời của mangan, niacin, folate, thiamin và vitamin E. Tuy nhiên những nhóm người sau cần lưu ý khi ăn lạc nếu như không muốn bệnh tình của mình nặng hơn.
Lợi ích của lạc đối với sức khỏe
Nhiều người cho rằng đậu phộng không có giá trị dinh dưỡng như các loại hạt thực sự như hạnh nhân, óc chó hoặc hạt điều. Nhưng thực ra, đậu phộng có nhiều lợi ích sức khỏe tương tự như các loại hạt đắt tiền hơn và không nên coi thường nó như một loại thực phẩm bổ dưỡng. Ngoài giá trị dinh dưỡng, đậu phộng còn cung cấp một số chất dinh dưỡng giúp cải thiện sự trao đổi chất và hỗ trợ ngăn ngừa một số bệnh.
Lạc cũng mang lại những lợi ích tương tự khi kiểm soát lượng đường trong máu. Chất béo tự nhiên trong lạc có tác dụng làm giảm chỉ số đường huyết của các loại thực phẩm khác được tiêu thụ cùng lúc. Ngoài ra, lạc còn giúp kiểm soát cả lượng đường trong máu lúc đói và mức sau ăn (sau bữa ăn).
Có nhiều cơ chế mà lạc có thể hỗ trợ giảm cân. Chất xơ và protein trong lạc thúc đẩy và làm tăng cảm giác no. Mặc dù đậu phộng có hàm lượng calo cao, nhưng một số chất béo trong đậu phộng có khả năng chống lại quá trình tiêu hóa và không được cơ thể hấp thụ hoàn toàn.
Theo một nghiên cứu năm 2016, resveratrol (một chất chống ôxy hóa có trong đậu phộng) giúp giảm viêm tim mạch và thư giãn mạch máu, tăng tuần hoàn và giảm huyết áp. Hơn nữa, nồng độ resveratrol tăng lên có liên quan đến việc giảm quá trình ôxy hóa LDL, tình trạng có thể dẫn đến xơ vữa động mạch (cứng động mạch) và bệnh mạch vành.
Chất xơ và chất béo lành mạnh trong đậu phộng cũng có lợi cho sức khỏe tim mạch. Những người có bệnh tăng huyết áp hay đang theo dõi huyết áp nên chọn đậu phộng không ướp muối để tránh tăng thêm natri cung cấp cho cơ thể.
Lạc chứa nhiều vitamin E và vitamin B, niacin. Trong khi đó, niacin từ thực phẩm đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ suy giảm nhận thức ở người lớn trên 65 tuổi. Mặc dù thực phẩm bổ sung không hữu ích, nhưng việc bổ sung nhiều vitamin E thông qua các loại thực phẩm như đậu phộng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer tới 7%.
Ai không nên ăn lạc?
Tuy là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể thưởng thức được món lạc. Trường hợp nhẹ có thể xuất hiện các triệu chứng như phát ban ngứa, buồn nôn hoặc sưng mặt.
Tuy nhiên, dị ứng đậu phộng nghiêm trọng có thể gây ra phản ứng đe dọa tính mạng được gọi là sốc phản vệ. Các triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm khó thở, buồn nôn, nôn mửa, co giật, tức ngực, sưng lưỡi, mặt, hoặc môi, buồn ngủ cực độ và cảm thấy chóng mặt, bối rối hoặc choáng váng.
Nếu xuất hiện những triệu chứng trên sau khi ăn lạc, cần nhanh chóng tới khám tại cơ sở y tế.
Bệnh gout xảy ra do rối loạn chuyển hóa purin, thường có biểu hiện là tăng hàm lượng axit uric trong máu. Vậy nên, bệnh nhân gout không nên ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo như lạc, nhất là trong lúc bệnh đang trong giai đoạn cấp tính bởi sẽ làm giảm sự bài tiết axit uric, làm tình trạng bệnh diễn biến xấu đi.
Ngoài ra, đậu phộng chứa nhiều calo, ăn vào dễ gây tăng cân, được coi là nguyên nhân gián tiếp hình thành bệnh gout Vì vậy, người bệnh gout chỉ nên ăn một lượng rất nhỏ đậu phộng khi bệnh đã thuyên giảm, hoặc không ăn là tốt nhất.
Đậu phộng giàu chất béo và có hàm lượng calo cao, do đó đây không phải là thực phẩm phù hợp cho bệnh nhân bị tăng lipid máu. Nếu ăn nhiều sẽ khiến tình trạng bệnh không được cải thiện, tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Những người bị bệnh tắc nghẽn mạch máu, bị độc dính máu cao không được ăn đậu phộng. Đặc biệt, đậu phộng mốc có chứa nhiều chất gây ung thư, gây ngộ độc nên khi sử dụng phải loại bỏ các hạt mốc, hỏng…
Để đảm bảo sức khỏe của mật, không nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo hay protein vì có thể khiến túi mật tiết ra nhiều mật hơn. Điều này càng quan trọng đối với bệnh nhân đã cắt bỏ túi mật, mật được tiết ra nhưng không được lưu trữ sẽ cản trở quá trình hấp thụ chất béo, ảnh hưởng đến tiêu hóa, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.
Đậu phộng chứa hàm lượng protein và chất béo cao khiến cho cơ thể khó tiêu hóa và hấp thu. Vậy nên, những người bị chứng khó tiêu hay viêm loét dạ dày, viêm ruột mạn tính không nên ăn vì có thể gây cảm giác khó chịu và làm bệnh nặng hơn. Ngoài ra, bệnh nhân có vấn đề về đường tiêu hóa nói chung cũng không nên ăn nhiều lạc.
Bảo quản lạc đúng cách
Đậu phộng không vỏ và có vỏ được bảo quản trong tủ đựng thức ăn khô và mát sẽ để được từ 1 đến 2 tháng, nhưng thời hạn sử dụng có thể kéo dài đến 4 đến 6 tháng nếu được giữ trong tủ lạnh. Bơ đậu phộng đã mở nắp dùng được từ 2 đến 3 tháng trong tủ đựng thức ăn và 6 đến 9 tháng trong tủ lạnh.
Bảo quản đúng cách để chất lượng của lạc không bị giảm đi.Nếu mua đậu phộng đóng hộp, hãy cố gắng tiêu thụ chúng không muộn hơn ngày hạn sử dụng in trên bao bì. Nếu để quá hạn sử dụng, chất lượng đậu phộng sẽ giảm đi ngay cả khi đựng trong hộp kín. Khi hộp đã mở, hãy giữ đậu phộng trong tủ lạnh để giữ được hương vị và độ tươi.
Không sử dụng nếu đậu phộng bị teo, đen hoặc có dấu hiệu bị mốc. Đậu phộng bị mốc đặc biệt có vấn đề vì chúng có thể tạo ra một loại độc tố được gọi là aflatoxin. Ngộ độc aflatoxin có thể làm suy giảm chức năng gan và dẫn đến vàng da, mệt mỏi, chán ăn và tổn thương gan.
PV (T/h)