Ba vàng này thực chất là gì, một khi gặp phải chúng ta phải xử lý như thế nào?
Nhắc đến vàng, nhiều người nghĩ tới sự giàu sang, phú quý. Tuy nhiên, nếu cơ thể bạn đang sở hữu 3 thứ vàng này, hãy cần trọng bởi vì đây là dấu hiệu báo động sức khoẻ bạn đang gặp vấn đề.
1. Nước tiểu màu vàng sậm
Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt đến màu hổ phách đậm nhờ urochrome và độ pha loãng hay đậm đặc của nước tiểu. Các sắc tố và các hợp chất khác nhau có trong thực phẩm và các loại thuốc nhất định có thể thay đổi màu sắc của nước tiểu.
+ Viêm nhiễm đường tiết niệu: Ở trạng thái bình thường, nước tiểu có màu vàng nhạt. Khi gặp những vấn đề về đường tiết niệu như viêm nhiễm, nhiễm nấm, tổn thương đường tiết niệu… thì nước tiểu sẽ đậm màu hơn. Nhiều trường hợp nước tiểu đục do dịch mủ hoặc lẫn máu trong nước tiểu. Viêm đường tiết niệu thường xảy ra với nữ nhiều hơn nam giới.
+ Bệnh vàng da tan máu: Các bệnh lý như sốt rét, nhiễm cầu khuẩn, nhiễm độc… có thể khiến số lượng hồng cầu bị phá hủy tăng bất thường, giải phóng 1 lượng lớn Bilirubin vào máu làm gia tăng nồng độ Bilirubin trong máu. Thận sẽ hoạt động để thanh thải bớt lượng Bilirubin đó gây nên tình trạng nước tiểu sẫm màu.
+ Cơ thể bị thiếu nước: Lượng nước cung cấp cho cơ thể bị thiếu hụt hoặc do bị mất nước sẽ khiến lượng nước tiểu sẽ ít đi và sậm màu hơn. Trong trường hợp này, chỉ cần uống đủ lượng nước cần thiết thì tình trạng nước tiểu sậm màu sẽ được cải thiện nhanh chóng.
+ Bệnh thiếu máu: Một số bệnh lý gây thiếu máu cũng sẽ khiến cho các tế bào hồng cầu bị phá hủy với số lượng lớn, có thể khiến nước tiểu có màu vàng đậm, thậm chí có màu đỏ, lẫn máu. Đây là tình trạng nghiêm trọng, cần được điều trị kịp thời.
+ Các bệnh lý gan mật: Ở các bệnh lý về gan với tình trạng suy giảm chức năng gan bao gồm: Viêm gan virus, gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu, xơ gan, ung thư gan… gây nên tình trạng nước tiểu màu vàng đậm. Nguyên nhân xuất phát từ việc suy giảm chuyển hóa Bilirubin tại gan khiến nồng độ chất này trong máu tăng cao.
+ Ăn thức ăn có màu đậm: Tình trạng nước tiểu có màu sắc khác thường cũng có thể xảy ra nếu sử dụng các loại thực phẩm có màu sắc đậm như củ dền, trái mâm xôi,…
+ Hội chứng Porphyria: Đây là một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp, liên quan đến sự khiếm khuyết trong tổng hợp Hemoglobin hình thành hồng cầu trong máu. Những triệu chứng thường đi kèm với nước tiểu đậm màu đó là đau bụng, dễ bị kích ứng bởi ánh sáng, tổn thương ở thần kinh, động kinh.
+ Các bệnh lý ung thư: Ở nhiều trường hợp nghiêm trọng, nước tiểu đậm màu là dấu hiệu cảnh báo những loại bệnh ung thư bao gồm: ung thư thận, tuyến tụy, bàng quang, tuyến tiền liệt.
Khi nhận thấy nước tiểu có màu vàng đậm kéo dài, theo dõi không phải nguyên nhân do sử dụng thức ăn có màu đậm, bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phương pháp khắc phục hiệu quả. Nếu nguyên nhân do bệnh ký, người bệnh cần chủ động tích cực điều trị kịp thời, tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tăng cường vận động thể dục thể thao vừa sức và lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh để hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
2. Lưỡi có màu vàng
Theo các chuyên gia sức khỏe, vàng lưỡi hay lưỡi bị vàng là tình trạng lưỡi đổi màu vàng. Đây thường là một vấn đề tạm thời, vô hại và sẽ tự biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, có một vài trường hợp lưỡi bị vàng là do vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như hiện tượng vàng da là tình trạng cần phải được điều trị.
Ngoài triệu chứng lưỡi bị vàng, bạn hoặc người thân có bất kỳ dấu hiệu sau đây, hãy đi khám sớm:
- Các triệu chứng vàng da, bao gồm vàng da trên cơ thể và tròng trắng mắt, da bầm tím, sốt, nôn mửa, buồn nôn, tiêu chảy ra máu và đau bụng.
- Màu lưỡi thay đổi hoặc có những biến đổi khác thường ở lưỡi.
- Màu lưỡi không biến mất cho dù bạn đã thay đổi lối sống, áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà hoặc điều trị kéo dài hơn 2 tuần.
- Đau đớn.
- Các triệu chứng trở nên nghiêm trọng rõ rệt mà không có lý do rõ ràng.
- Các tế bào da trên lưỡi dày rõ rệt, trông giống như một lớp lông.
Khi nhận thấy một trong những triệu chứng này hoặc có bất kỳ băn khoăn nào, bạn nên đi khám và tham khảo ý kiến bác sĩ vì cơ địa mỗi người không giống nhau. Bạn sẽ cần được khám bệnh và có chẩn đoán chính xác từ bác sĩ để được điều trị phù hợp.
3. Mồ hôi màu vàng
Nhiều người nghĩ rằng mồ hôi màu vàng là hiện tượng thường thấy và không nguy hiểm. Tuy nhiên, theo Đông Y, mồ hôi vàng hay còn gọi là Hoàng hãn mà nguyên nhân gây ra có thể là cơ thể bệnh nhân lạnh ướt như tắm do thấp tà đã nhập vào bên trong hoặc hàn thấp tích ở mặt ngoài cơ thể. Mồ hôi vàng kèm theo mùi tanh thường thấy ở bệnh nhân xơ gan.
Trong khi đó, theo Tây Y lại đây lại là hiện tượng thường gặp khi mồ hôi tiết ra nhiều. Không những thế, đây còn là biểu hiện của việc dư chất urat trong cơ thể. Ngoài ra, việc mồ hôi có màu vàng thường do chất bilirubin trong máu quá nhiều. Nguyên nhân thường do gan mật có bệnh (ví dụ như viêm gan mãn tính, viêm túi mật, xơ cứng gan vv).
Trong một số ít trường hợp nếu bạn ăn quá nhiều hoa quả và rau có màu đỏ như cà rốt, cam, quýt… thì cũng có thể tạm thời xuất hiện mồ hôi vàng. Chính vì vậy, có thể thấy, việc mồ hôi có màu vàng không thể nói là không phải nguyên nhân do bệnh. Trong một số trường hợp, chúng là biểu hiện của bệnh, một số khác lại không.
Để trị đổ mồ hôi vàng bạn phải đi khám để tìm ra nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Điều đầu tiên bạn nên làm là lập tức kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là gan. Bằng cách này, có thể bạn sẽ tìm được nguyên nhân gây bệnh và chữa trị kịp thời hiệu quả căn bệnh đó và cả chứng đổ mồ hôi vàng.
Thứ hai, nếu do tình trạng bị dư thừa chất hay thiếu chất, thì việc cân bằng lại chế độ dinh dưỡng là hết sức cần thiết. Bạn có thể loại bỏ bớt những thực phẩm chứa nhiều urat có nhiều trong các loại thịt. Như vậy có thể làm giảm nguy cơ cũng như tình trạng đổ mồ hôi vàng.
Ngoài ra, bạn nên nhớ kĩ lại xem trong thời gian gần đây mình có ăn quá nhiều các loại trái cây có màu đỏ như carot, cà chua, cam, quýt, …hay không. Nếu có, bạn nên dừng ngay việc nạp quá nhiều thực phẩm này lại. Bởi vì đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến quần áo bạn bị ố vàng do mồ hôi.
pv (t/h)