Nếu thấy thường xuyên đắng miệng tốt nhất bạn nên đi bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, có thể đây là dấu hiệu bệnh lý.
Đắng miệng là do nguyên nhân gì?
Theo các chuyên gia sức khỏe, khi xuất hiện triệu chứng đắng miệng thông thường là do cơ thể bị nội nhiệt. Trong khi đó, bị nhiệt chủ yếu bắt nguồn từ gan hoặc dạ dày, đường ruột. Cũng có nghĩa là khi gan có hiện tượng “hỏa thịnh” hoặc dạ dày và đường ruột tích tụ nhiều nội nhiệt sẽ sinh ra cảm giác đắng miệng.
Không ít người luôn có tình trạng bị đắng miệng sau khi vừa ngủ dậy hoặc sau khi ăn cơm. Đối với hiện tượng này, các nhà y học lý giải: Nguyên nhân gây ra đắng miệng sau khi ngủ dậy chủ yếu là do gan bị nhiệt. Người bệnh còn có thể gặp trở ngại về giấc ngủ, tâm trạng dễ cáu bẳn, nóng giận.
Ngoài ra, nếu bạn dễ đắng miệng sau bữa ăn vẫn có thể do gan gặp vấn đề quá nóng. Thức ăn sau khi vào dạ dày phải thông qua quá trình vận chuyển qua tỳ để hình thành dinh dưỡng, nhưng nếu gan bị nhiệt sẽ ảnh hưởng đến chức năng của tỳ. Từ đó khiến thức ăn không thể chuyển hóa thành dưỡng chất, ngược lại tích tụ ở dạ dày, lâu ngày sinh ra nhiệt.
Bị đắng miệng lâu ngày có tác hại gì?
Nếu chỉ đơn thuần có một triệu chứng là đắng miệng thì nhìn chung chỉ là do cơ thể bị nội nhiệt gây ra, không nguy hại quá lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu thời gian kéo dài không có biện pháp cải thiện, điều trị sẽ dễ dẫn đến những vấn đề khác không tốt cho bạn.
Ví dụ như khi gan bị hỏa thịnh mà không thể kịp thời khắc phục sẽ khiến làn da dễ sinh ra mụn nhọt, thậm chí trường hợp nghiêm trọng còn dẫn đến đột quỵ. Mặt khác, nếu dạ dày, đường ruột bị nhiệt tích tụ không điều trị sớm sẽ gây trở ngại cho chức năng nghiền nát, hấp thu và vận chuyển dinh dưỡng. Người bệnh dễ bị đau bụng, chướng khí và tiêu hóa kém.
Làm sao để cải thiện tình trạng đắng miệng?
Học cách điều chỉnh tâm trạng
Bạn đừng nghĩ rằng nguyên nhân đắng miệng chủ yếu là do gan, dạ dày, đường ruột bị nhiệt mà bỏ qua yếu tố tâm lý. Thực tế, thói quen kiểm soát tâm trạng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người.
Bạn nên học cách điều tiết mọi cảm xúc của mình, nhất là những cảm xúc tiêu cực càng phải sớm được giải tỏa. Khi tinh thần luôn vui tươi, thoải mái thì khí ở gan sẽ hạn chế bị tích tụ mà gây ra hỏa thịnh. Hệ tiêu hóa cũng hoạt động tốt hơn.
Luôn đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý
Cho dù người có bị đắng miệng thường xuyên hay không thì vẫn nên có chế độ ăn uống khoa học. Bạn nên cố gắng hạn chế các món cay nóng vì dễ làm tổn thương dạ dày và gan. Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây để tăng cường chất xơ thực vật, hỗ trợ tiêu hóa.
Nghỉ ngơi có quy luật
Cuộc sống càng hiện đại đồng nghĩa với áp lực càng cao. Ngày nay rất nhiều người có thói quen thức khuya vô cùng có hại. Khi thức khuya trong suốt thời gian dài sẽ càng dễ khiến gan bị nhiệt, thậm chí có thể dẫn đến chức năng gan bị suy giảm trầm trọng, kéo theo nhiều bệnh tật khác.
Bên cạnh nỗ lực làm việc thì chế độ nghỉ ngơi khoa học càng quan trọng hơn. Nếu khó ngủ, bạn có thể áp dụng vài liệu pháp hỗ trợ như ngâm chân, yoga, thiền hay vài vận động phù hợp vừa kích thích nhu động ruột, vừa tăng sự trao đổi chất và giúp giấc ngủ có chất lượng hơn.
PV (T/h)