Theo các chuyên gia, cơ thể chúng ta không dự trữ kẽm, nên kẽm cần được tiêu thụ thường xuyên thông qua các thực phẩm như thịt đỏ, hải sản, các loại hạt…
Theo các chuyên gia y tế, kẽm là khoáng chất thiết yếu của cơ thể. Dù chỉ cần một lượng rất nhỏ, nhưng kẽm đã được chứng minh có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe.
Cụ thể, kẽm cần thiết cho quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ; cần thiết cho chức năng miễn dịch, chữa lành vết thương, đông máu, thị giác, chức năng tuyến giáp. Một số nghiên cứu còn cho thấy, kẽm có khả năng chống lại các bệnh cảm cúm do virus gây ra.
Kẽm có nhiều trong các loại thịt đỏ, hải sản, các loại hạt... Ảnh minh họa
Theo TS.BS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Thừa thiên Huế, do kẽm giúp tăng miễn dịch cơ thể, tăng sức đề kháng cơ thể nên có thể giúp phòng và điều trị bệnh lý hô hấp nói chung, trong đó có bệnh COVID-19, nhất là ở người cao tuổi.
Duy trì nồng độ kẽm có thể là chìa khóa để sống một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh hơn. Kẽm kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp làm chậm quá trình lão hóa và giảm nguy cơ viêm phổi cũng như các bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng khác.
Tuy nhiên, cơ thể không dự trữ kẽm, nên kẽm cần được tiêu thụ thường xuyên thông qua thực phẩm. Các thực phẩm giàu kẽm bao gồm:
Hàu
Hàu được đánh giá thuộc nhóm giàu kẽm nhất. Một con hàu cỡ vừa chứa đến 5,3 mg kẽm. Lượng kẽm trong 100g hàu tươi gấp gần 10 lần so với 100g thịt lợn, gấp hơn 50 lần trong 100g cá tươi. Hàu sữa là một trong những loại chứa nhiều kẽm nhất trong các loại hàu.
Thịt bò
Thịt bò là nguồn cung cấp kẽm tuyệt vời. Trên thực tế, trong 100 gram thịt bò chứa khoảng 4,8 mg kẽm, chiếm 44% lượng kẽm mà cơ thể chúng ta cần mỗi ngày.
Đậu lăng
Đậu lăng được biết đến với tác dụng tăng cường sức khỏe vì chúng rất giàu polyphenol và vi chất dinh dưỡng, bao gồm cả kẽm. Đậu lăng đóng vai trò là một loại protein có nguồn gốc thực vật, trở thành một loại thực phẩm giàu kẽm tuyệt vời cho những người ăn chay.
Rau chân vịt
Rau chân vịt là một trong những loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và các khoáng chất bao gồm kẽm. Loại rau này giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh, bao gồm bệnh tim, béo phì, tiểu đường, bệnh thoái hóa thần kinh và thậm chí nhiều hơn nữa.
Nấm
Lợi ích dinh dưỡng của nấm đã được chứng minh bao gồm khả năng tăng cường miễn dịch do các hoạt động chống ôxy hóa và giảm viêm. 100g nấm sẽ cung cấp khoảng 1,4mg kẽm. Nếu đang muốn giảm cân thì cũng có thể thêm nấm vào thực đơn vì nó cung cấp ít calo mà lại giàu về giá trị dinh dưỡng.
Hạt điều
Hạt điều rất giàu axit béo không bão hòa và nhiều protein. Dinh dưỡng từ hạt điều giúp chống lại bệnh tim, giảm viêm, tăng cường sức khỏe của xương và hỗ trợ chức năng não khỏe mạnh. Hơn nữa, hạt điều cũng giàu kẽm, 500g chứa 1,6 mg kẽm, giúp bổ sung lượng kẽm cần thiết cho cơ thể.
Hạnh nhân
Dinh dưỡng của hạnh nhân thực sự đáng chú ý, nó có lợi cho nhiều khía cạnh của sức khỏe, bao gồm sức khỏe tim mạch và kiểm soát cân nặng. Ngoài hàm lượng kẽm, hạnh nhân còn cung cấp vitamin E, mangan, magiê và riboflavin, trong số các vi chất dinh dưỡng quan trọng khác.
Hạt bí ngô
Hạt bí ngô và dầu hạt bí ngô được chứng minh là thực phẩm quan trọng để duy trì sức khỏe ở phụ nữ sau mãn kinh. Hạt bí ngô cũng rất giàu kẽm tốt cho sức khỏe tuyến tiền liệt và chúng thúc đẩy sức khỏe tinh thần của bạn.
Quả bơ
Nếu đang tìm kiếm các loại trái cây có chứa kẽm, hãy tìm đến một quả bơ. Nó được biết đến là một trong những loại thực phẩm vô cùng tốt cho sức khỏe vì chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể.
Relife