Đeo khẩu trang là việc làm giúp giảm sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, thường xuyên đeo khẩu trang có thể khiến bạn gặp tình trạng “maskne” gây mụn và các vấn đề về da khác ở miệng, má, cằm thậm chí là trên khắp khuôn mặt. Vậy làm sao hạn chế tình trạng trên?
Maskne là gì?
Ban đầu, Maskne là thuật ngữ được sử dụng để chỉ tình trạng nổi mụn nhiều hơn do đeo khẩu trang quá lâu trong giai đoạn "sống chung với Covid-19". Maskne có thể xảy ra khi bạn đeo khẩu trang y tế, khẩu trang vải… Tuy nhiên, hiện nay các chuyên gia đã sử dụng cụm từ này để chỉ một loạt các vấn đề về da do việc đeo khẩu trang thường xuyên.
- Rosacea: Tình trạng da này có thể lan rộng khắp mặt, dẫn đến mẩn đỏ, sưng tấy và nổi mụn giống như mụn trứng cá.
- Viêm nang lông: Là tình trạng nhiễm trùng của các nang lông, gây ra các vết sưng có thể giống như mụn trứng cá. Tình trạng này cũng có thể ngứa và đau.
- Viêm da dị ứng: Đây là loại bệnh chàm phổ biến nhất. Thông thường, mọi người sẽ gặp phải các mảng da khô, ngứa, có thể nứt, chảy máu hoặc nhiễm trùng.
- Viêm da tiếp xúc: Nếu một người nhạy cảm với chất liệu của khẩu trang, họ có thể bị viêm da tiếp xúc. Đây là một loại bệnh chàm khác và có thể gây kích ứng và phồng rộp.
- Viêm da tiết bã: Đây là một tình trạng viêm da có thể gây đỏ, bong tróc và ngứa da.
- Viêm da quanh miệng: Đây là một tình trạng viêm da đặc trưng bởi triệu chứng ban quanh miệng.
Ngoài việc gây kích ứng da, gây mụn, thì những người đang sống chung với các bệnh ngoài da cũng nhận thấy rằng việc đeo khẩu trang làm trầm trọng thêm các triệu chứng của họ.
Nguyên nhân nào khiến bạn bị nổi mụn do đeo khẩu trang?
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đeo khẩu trang trên 4h/ngày sẽ tăng sản xuất bã nhờn lên đến 10% và đeo khẩu trang 6h/ngày thì các chỉ số mất nước, tăng tiết bã nhờn và độ pH trên da tăng dần theo ngày, dẫn đến hiện tượng Maskne.
Trong hầu hết các trường hợp, Maskne là kết quả của việc lỗ chân lông bị bít tắc. Trên da thường có một lớp dầu tự nhiên, vi khuẩn và tế vào chết. Tuy nhiên, khi đeo khẩu trang, các chất này có thể tích tụ nhiều hơn và gây bít tắc lỗ chân lông.
Bên trong khẩu trang là môi trường ấm và ẩm do mồ hôi và CO2 mà chúng ta thở ra, kết hợp nước bọt khi nói chuyện, hắt hơi… Những chất này có thể gây kích ứng da, đặc biệt với những làn da nhạy cảm. Một nguyên nhân khác khiến bạn dễ gặp các vấn đề da khi đeo khẩu trang là do ma sát của khẩu trang với da, điều này có thể khiến da bị kích ứng, từ đó gây viêm da tiếp xúc. Nhiệt độ và độ ẩm cao khi đeo khẩu trang liên tục cũng có thể là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn phát triển và gây mụn.
Làm sao để cải thiện các vấn đề về da và nổi mụn do đeo khẩu trang
Mặc dù mọi người có thể thấy khó chịu khi đeo khẩu trang, nhưng để bảo vệ mình và người khác khỏi nguy cơ bị nhiễm SARS-CoV-2, bạn vẫn nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Để hạn chế mụn và các vấn đề về da khác khi đeo khẩu trang, bạn nên thực hiện một số điều sau:
Rửa mặt hai lần mỗi ngày bằng các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ
Các bác sĩ da liễu khuyến cáo hạn chế rửa mặt hai lần một ngày và sau khi đổ mồ hôi nhiều. Nên dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không có mùi thơm để rửa mặt. Khi rửa mặt, không dùng nước nóng, không dùng tay chà xát mạnh lên da. Những người có làn da nhạy cảm có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu về các loại sữa rửa mặt phù hợp.
Dưỡng ẩm
Thoa kem dưỡng ẩm lên da sau khi rửa mặt có thể bảo vệ da khỏi bị khô và kích ứng. Bạn nên chọn các loại kem dưỡng ẩm có chứa ceramides, axit hyaluronic hoặc dimethicone. Bạn cũng có thể cân nhắc chọn loại kem dưỡng ẩm phù hợp với tình trạng da của mình để ngăn ngừa mụn do đeo khẩu trang. Những người có làn da dầu hoặc làm việc trong môi trường ẩm ướt nên chọn loại kem dưỡng ẩm dạng gel.
Tháo khẩu trang sau mỗi 4 giờ
Mọi người nên gỡ bỏ khẩu trang sau mỗi 4 giờ sử dụng. Các nhân viên y tế đã phát hiện ra phương pháp này là một cách đơn giản để giảm nguy cơ mắc các bệnh về da liên quan đến khẩu trang. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tháo khẩu trang khi môi trường xung quanh an toàn, ví dụ ở trong nhà, một mình trong xe. Sau khi tháo khẩu trang, bạn nên rửa tay sạch để tránh virus từ tay chuyển lên mặt.
Nên hạn chế hoặc tránh trang điểm
Nếu phải đeo khẩu trang cả ngày khi làm việc, bạn nên hạn chế hoặc tránh trang điểm. Bởi các loại kem nền, kem che khuyết điểm có thể làm tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông trầm trọng hơn.
Nếu đeo khẩu trang vải, hãy giặt sau mỗi lần sử dụng
Bên cạnh khẩu trang y tế, khẩu trang vải là sự lựa chọn của nhiều người vì tiết kiệm và dễ chịu khi đeo. Tuy nhiên, hãy vệ sinh khẩu trang vải thật kỹ sau mỗi lần sử dụng. Sử dụng bột giặt không mùi, không chứa các chất gây dị ứng và không nên sử dụng nước xả vải sau đó. Nếu có thể, hãy giặt khẩu trang với nước ấm. Sau đó phơi khô và xếp gọn gàng để cho lần sử dụng sau.
Thay khẩu trang y tế sau mỗi lần sử dụng
Nếu chọn khẩu trang y tế vì tính tiện dụng, bạn nên vứt khẩu trang sau mỗi lần dùng và tránh tái sử dụng chúng. Hãy chuẩn bị ít nhất một chiếc khẩu trang y tế bên mình ngoài khẩu trang đang đeo để đảm bảo bạn luôn được bảo vệ khỏi virus corona bởi khẩu trang.
Nếu đã thực hiện những cách trên mà tình trạng mụn và các vấn đề về da khác không giảm hoặc trở nên trầm trọng hơn thì bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám và tư vấn cách điều trị.
Theo Sức khỏe 24h