Thực hiện squat hay những môn thể thao với cường độ khắc nghiệt, liên tục có thể gây tổn thương cơ bắp, từ đó sản sinh ra chất độc làm ảnh hưởng tới thận.
Hồi đầu tháng 12, 23 học sinh ở Trung tâm huấn luyện Dự bị Lục quân tại Trường Narathiwat, thuộc tỉnh Narathiwat, miền Nam Thái Lan đã bị tổn thương thận sau khi thực hiện squat (ngồi xổm) 200 lần liên tục giữa trời nóng. 8 em trong số này phải chạy thận nhân tạo. Nguyên nhân được xác định là do cường độ vận động quá lớn khiến các em học sinh rơi vào tình trạng bị tổn thương cơ bắp nghiêm trọng. Tình trạng này gọi là tiêu cơ vân.
Bác sĩ BS.CKII Nguyễn Hữu Nhật Bác sĩ Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, cơ vân là một trong 3 loại của mô cơ, bao gồm: cơ vân, cơ tim và cơ trơn. Cơ vân chiếm 50% khối lượng cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và duy trì chức năng của cơ. Một cơ vân được tạo nên bởi hàng triệu sợi cơ nhỏ, gồm cơ dọc, cơ ngang và rải đều xung quanh xương trên khắp cơ thể. Các sợi cơ này đều liên kết với dây thần kinh.
Tiêu cơ vân là một hội chứng xảy ra khi các tế bào cơ vân bị tổn thương, phá hủy, phóng thích các chất trong tế bào cơ vào máu. Các chất này khi vào máu sẽ gây tình trạng rối loạn điện giải, toan chuyển hóa và tổn thương thận cấp. Tiêu cơ vân được biết đến từ năm 1941 sau trận ném bom ở London với tên gọi "hội chứng vùi lấp".
Thực hiện squat hay những môn thể thao với cường độ khắc nghiệt, liên tục khiến tế bào cơ làm việc quá sức. Từ đó sẽ sản sinh ra chất độc làm ảnh hưởng tới thận. Vận động mạnh khiến hồng cầu bị vỡ, gây ra màu sắc bất thường ở nước tiểu hay tiểu máu. Yếu tố nguy cơ khác như thận vốn đã có vấn đề khi gặp các tác động cộng thêm nên dễ bị tổn thương và phát bệnh ở thận.
Ngoài nguyên nhân do chấn thương từ tập luyện thể dục thể thao thì tiêu cơ vân cũng có thể đến từ những chấn thương khác như do va đập (tai nạn ô tô, ngã hoặc sập nhà); căng cơ kéo dài (bất động quá lâu sau khi ngã, nằm bất tỉnh trên bề mặt cứng do bị bệnh; ảnh hưởng của chất kích thích, thuốc uống); chấn thương do điện giật, sét đánh; bỏng độ ba; nọc độc từ rắn hoặc côn trùng cắn... Bên cạnh đó, các trường hợp tập luyện thể thao bị suy thận mạn còn đến từ nguyên nhân chế độ dinh dưỡng không phù hợp hay tự ý dùng thuốc kích cơ.
Một yếu tố nguy cơ khác bao gồm: căng cơ cực độ (xảy ra ở những vận động viên chưa qua đào tạo, thậm chí cả các vận động viên chính quy do có nhiều khối cơ bị phá vỡ); người sử dụng các loại thuốc như thuốc chống loạn thần hoặc statin, đặc biệt khi dùng liều cao; nhiệt độ cơ thể rất cao (tăng thân nhiệt) hoặc say nắng; co giật hoặc mê sảng; một rối loạn chuyển hóa như nhiễm toan đái tháo đường; mắc bệnh về cơ như thiếu men cơ bẩm sinh hoặc chứng loạn dưỡng cơ Duchenne (bệnh di truyền ảnh hưởng cơ bắp); nhiễm virus như cúm, HIV, herpes...; nhiễm trùng do vi khuẩn dẫn đến độc tố trong mô hoặc máu (nhiễm trùng huyết); tiền sử tiêu cơ vân trước đây cũng làm tăng nguy cơ bị tái tiêu cơ vân.
Các dấu hiệu và triệu chứng của tiêu cơ vân có thể khó xác định, có thể xảy ra ở một vùng hoặc ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. "Bộ ba kinh điển" của triệu chứng tiêu cơ vân là: đau cơ ở vai, đùi hoặc lưng dưới; yếu cơ hoặc khó di chuyển tay và chân; và nước tiểu có màu đỏ sẫm, nâu hoặc nâu nhạt. Một nửa số bệnh nhân mắc phải tình trạng này không có triệu chứng liên quan đến cơ bắp.
Biến chứng nặng của tiêu cơ vân là tổn thương thận cấp, suy thận..., thậm chí tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Suy thận xảy ra do ống thận bị tắc bởi các protein của cơ giải phóng vào máu và bài tiết qua ống thận. Các biến chứng có thể xảy ra ở giai đoạn đầu và giai đoạn sau.
Theo bác sĩ Nhật, để chẩn đoán mức độ ảnh hưởng của tiêu cơ vân đến thận, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán như xét nghiệm máu, nước tiểu... Người bệnh tiêu cơ vân nặng sẽ có hiện tượng tăng creatinin, tăng kali máu, toan chuyển hóa do suy thận; tăng myoglobin trong máu và nước tiểu.
Điều trị biến chứng suy thận do tiêu cơ vân gây ra, bác sĩ sẽ xem xét các vấn đề như truyền dịch đảm bảo khối lượng tuần hoàn, bài niệu cưỡng bức; điều chỉnh các rối loạn điện giải, kiềm toan; kiềm hóa nước tiểu; lọc máu khi có chỉ định; điều chỉnh liều các thuốc có độc tính với thận theo mức lọc cầu thận; xử trí theo từng nguyên nhân...
Do đó, nếu tập các môn thể thao theo hướng chuyên nghiệp cần có sự theo dõi của bác sĩ chuyên ngành và huấn luyện viên về cường độ luyện tập, qua đó đánh giá tình trạng sức khỏe để điều chỉnh kịp thời. Những bài tập nên thực hiện từ dễ đến khó, từ nhẹ đến nặng. Duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp, không nên dùng thực phẩm chức năng, thuốc tăng cơ, các chất kích thích khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia.
PV (T/h)