Đây là món ăn dường như không thể thiếu trong mỗi bữa cơm trong gia đình Việt, tuy nhiên ăn không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mặt lợi của các món dưa cà muối
Ngâm muối là cách bảo quản thực phẩm được sử dụng hàng nghìn năm qua. Người ta có thể ngâm rau củ quả trong muối để sử dụng trong thời gian dài. Ngay cả các loại thịt cũng có thể ngâm muối.
Khi ngâm muối, quá trình lên men sẽ diễn ra. Các loại rau củ quả lên men sẽ tạo ra các vi khuẩn lành mạnh, phá vỡ phần cellulose khó tiêu hóa cũng như một số đường tự nhiên trong thực phẩm. Đây cũng là lý do tại sao một số người không dung nạp lactose có thể ăn sữa chua.
Những vi khuẩn lành mạnh giữa cho thực phẩm lên men ít bị hư hỏng và tăng vi khuẩn tốt cho đường ruột.
Do đó, ăn một số loại dưa muối chua sẽ giúp tăng lượng probiotic có lợi cho sức khỏe, tốt cho hệ tiêu hóa, tăng cường sức để kháng.
Khi nấu ăn bằng nhiệt, các chất chống oxy hóa trong rau củ thường sẽ bị phá vỡ. Tuy nhiên, với phương pháp muối, tính chất chống oxy hóa sẽ được duy trì.
Các loại dưa muối cũng cung cấp các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Chất xơ từ các loại dưa muối giúp tạo cảm giác no lâu, hạn chế thèm ăn.
Mặt bất lợi của các loại dưa muối
Nghiên cứu cho thấy thực phẩm ngâm muối chứa lượng muối quá lớn khiến người sử dụng phải đối mặt với một số căn bệnh nguy hiểm trong đó có K dạ dày. Một nhóm các bác sĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ xem xét chế độ ăn uống của bệnh nhân bị K dạ dày và phát hiện ra rằng những người này ăn bánh mì, ngũ cốc, sữa và nước ép cam ít hơn đáng kể nhưng họ lại ăn nhiều dưa chua hơn so với những người không bị bệnh. Tất nhiên, chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để làm sáng tỏ vấn đề này.
Một trong những nguy cơ lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt khi ăn thực phẩm muối chua đó chính là tăng huyết áp. Muối (có thành phần chính là natri) sẽ làm tăng huyết áp và bệnh tim mạch.
Ăn nhiều dưa muối trong một lần có thể gây kích thích tăng tiết axit dạ dày, gây ra tình trạng trào ngược dạ dày thực quản và làm khởi phát tình trạng viêm loét dạ dày có sẵn.
Lưu ý ăn dưa muối để không gây hại sức khỏe
Chúng ta không nên ăn dưa muối khi còn xanh và vẫn còn vị hăng. Dưa có màu xanh, chua dịu dễ chứa nitrosamin - một chất có thể kích thích các tế bào K phát triển. Chỉ nên ăn khi dưa muối đã ngả sang màu vàng tươi, chua giòn.
Trước khi ăn, nên rửa dưa muối qua nước sạch nhiều lần, vắt sạch dưa để giảm độ mặn và độ chua.
Dưa muối là món ăn ngon miệng, đưa cơm nhưng không nên ăn quá nhiều và quá thường xuyên. Chỉ nên dùng dưa muối để ăn kèm các món ăn khác trong bữa.
Dùng đũa sạch để gắp dưa muối ra khỏi hũ, giúp kéo dài thời gian bảo quản dưa. Đậy kín hũ và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, khi ăn thì lấy dưa ra. Dưa muối ăn thừa không được cho lại vào hũ vì dễ làm hỏng dưa có sẵn trong hũ.
Tự muối dưa tại nhà có thể giúp bạn điều chượng lượng muối, đảm bảo thực phẩm sạch sẽ, an toàn.
Người có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp nên hạn chế ăn dưa muối vì thực phẩm này có hàm lượng muối cao có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.
PV (T/h)