Ít ăn uống đồ lạnh, hạn chế đồ ăn nhanh, thở bằng bụng... góp phần giảm mỡ bụng, giúp vòng hai gọn gàng hơn.
Mỡ bụng là một trong những vấn đề "nhức nhối" của phụ nữ, đặc biệt là các chị em làm việc văn phòng. Ngồi nhiều, vòng hai càng có xu hướng dễ tích mỡ hơn. Đây cũng là một trong những vùng mỡ khó giảm nhất trong cơ thể. Theo ETToday, mỡ vùng bụng tồn tại dưới 2 dạng: mỡ dưới da và mỡ nội tạng. Mỡ dưới da thường là mỡ mềm, có thể cảm nhận khi dùng tay bóp nhẹ. Ngược lại, mỡ nội tạng thường có kết cấu chắc và khó nhận biết bằng tay hơn. Mỡ nội tạng nhiều làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường, huyết áp, béo phì... Để cải thiện mỡ bụng và hạn chế tích mỡ bụng, hãy thiết lập những thói quen lành mạnh như sau:
1. Ăn ít đồ lạnh
Khi ăn, uống nhiều đồ lạnh nhiệt độ dạ dày và đường ruột hạ, dẫn đến nhiệt độ toàn khoang bụng và thân nhiệt đều giảm. Lúc này cơ thể có xu hướng kích hoạt chế độ sinh tồn nhằm bảo toàn năng lượng và tích mỡ nhiều hơn bình thường để giữ ấm cơ thể. Vì vậy, hạn chế ăn đồ lạnh hàng ngày có thể góp phần giảm tích mỡ vùng bụng.
2. Ăn ít chất béo chuyển hóa
Chất béo chuyển hóa được cho là gây béo phì gấp 7 lần so với chất béo thông thường. Loại chất béo này khi đi vào cơ thể cũng khó chuyển hóa hơn và là một trong những tác nhân gây ra các bệnh về tim mạch, tiểu đường. Chất béo chuyển hóa thường có trong đồ chiên rán, đồ nướng, bơ thực vật, đồ ăn nhanh...
3. Đứng dựa vào tường sau khi ăn
Dành 15 phút sau bữa ăn đứng dựa vào tường là một trong những bài tập hiệu quả dành cho những người lười vận động, ít có thời gian tập luyện. Cách thực hiện không quá phức tạp. Chỉ cần đứng thẳng, chân rộng gần bằng vai, gót chân cách bờ tường khoảng một nắm tay, trọng tâm dồn vào vùng bụng. Cách này được cho là giúp hạn chế phần nào tình trạng tích mỡ vùng bụng sau khi ăn.
4. Thở bằng bụng
Hầu hết mọi người đều thở bằng mũi, bằng miệng nhưng dành 5-10 phút hàng ngày thở bằng bụng đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và có tác dụng siết chặt các múi cơ vùng bụng, nhờ đó vòng hai gọn gàng hơn.
Cách thực hiện: Bắt đầu bằng việc nằm ngửa trên một mặt phẳng, đầu được đỡ bằng gối mềm. Đặt một tay lên bụng để cảm nhận sự chuyển động của cơ hoành. Sau đó, bạn hít vào từ từ qua mũi, cảm nhận khoang bụng căng tròn. Thở ra từ từ bằng miệng, đẩy khí ra khỏi bụng, cảm nhận khoang bụng xẹp xuống, thắt chặt thành cơ bụng. Lặp lại 5-10 phút mỗi ngày.
5. Không thức khuya
Giấc ngủ liên quan mật thiết đến quá trình trao đổi chất. Khi trao đổi chất kém, việc kiểm soát cân nặng cũng trở nên khó khăn hơn. Thức khuya, thiếu ngủ, ngủ không ngon trong thời gian dài ảnh hưởng nhiều đến hormone. Thiếu ngủ làm tăng lượng ghrelin - hormone tạo tín hiệu đói, khiến cơ thể có xu hướng muốn ăn vặt nhiều hơn, từ đó nạp vào cơ thể lượng calo lớn, khó kiểm soát cân nặng. Thiếu ngủ cũng khiến cơ thể dễ trở nên căng thẳng, stress, làm mức cortisol tăng cao, dễ tích mỡ hơn bình thường. Khi thức khuya, ngủ muộn, bạn cũng có xu hướng dễ sa đà vào các món kém lành mạnh hơn bình thường.
PV (T/h)