Sữa hạt, nước trái cây, sushi,... vẫn có thể gây hại nếu bạn dùng quá thường xuyên.
Nước trái cây đóng chai
Nước trái cây luôn được các nhãn hàng quảng cáo có nhiều dinh dưỡng, vitamin, và khoáng chất cho cơ thể. Nhưng điều này không đúng với nước trái cây đóng chai. Trên thực tế, thức uống này chứa nhiều đường, chất bảo quản cùng hương liệu tạo mùi. Do đó chúng không tốt như chúng ta nghĩ, tốt nhất bạn nên mua trái cây tươi về và tự làm nước ép hoặc mua ở những nơi đáng tin cậy.
Sushi
Sushi và cơm cuộn thường được mặc định là thực phẩm lành mạnh, tốt cho người ăn kiêng bởi chúng gồm hải sản, rong biển và gạo. Tuy nhiên, những nguyên liệu đi kèm như sốt mayonnaise, đường và nước sốt khác đi kèm không mang lại tác dụng mong muốn. Một cuộn sushi (cắt ra được 6-9 phần) có thể chứa tới 500 calo, tương đương với một chiếc hamburger nhiều thịt.
Sữa thực vật
Trước đây, người tiêu dùng chỉ có lựa chọn là sữa dê hoặc sữa bò nhưng ngày nay, sữa thực vật (các loại sữa như hạnh nhân, yến mạch...) được ưa chuộng hơn. Nhiều người tin rằng sữa thực vật tốt cho sức khỏe hơn. Đối với những người không hấp thụ lactose, những loại sữa này thực sự là một giải pháp tốt. Nhưng với những người bình thường, sữa hạt không tốt như bạn nghĩ. Sữa bò chứa nhiều protein, canxi, kali, và vitamin A, B, D. Mặc dù sữa có nguồn gốc thực vật chứa các chất hữu ích nhưng không thể thay thế hoàn toàn sữa có nguồn gốc động vật. Hơn nữa, để làm cho sữa thực vật ngon miệng hơn, nhà sản xuất đã thêm đường mía, siro gạo và các chất làm ngọt khác, không có lợi cho người tiểu đường. Bạn có thể mua hạt về nhà tự xay để đảm bảo nguyên chất và bổ dưỡng hơn.
Sữa chua
Sữa chua luôn được cho rằng tốt cho sức khỏe, cung cấp chất dinh dưỡng, nâng cao miễn dịch, tốt cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, chúng cũng có chất tạo màu, chất bảo quản, một lượng lớn đường và chất tạo ngọt. Để chắc chắn bảo đảm chất lượng, bạn nên tự làm sữa chua tại nhà hoặc mua ở các shop tự làm uy tín, nếu không, hãy mua sữa chua không đường.
Ngũ cốc
Ngũ cốc được xem là một thực phẩm lành mạnh để ăn vào bữa sáng, dùng kèm sữa tươi hoặc sữa chua. Chúng có ưu điểm là chế biến nhanh gọn, đơn giản, ngon miệng nhưng nhược điểm lớn của chúng là chứa hàm lượng fructose cao ở dạng siro ngô. Vì thế, bạn không nên ăn thường xuyên vào mỗi sáng, nếu có vấn đề về đường huyết.
Soda ăn kiêng
Một số loại soda hay nước ngọt ăn kiêng (như diet Coca) không chứa calo nên chúng được xem như có khả năng giảm cân, hay ít nhất là tránh làm tăng cân. Nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy. Soda ăn kiêng vẫn chứa chất làm ngọt nhân tạo, có thể tăng nguy cơ béo phì và hội chứng chuyển hóa. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng thức uống này làm tăng cảm giác thèm ăn hơn.
Pizza chay
Gần đây, nhiều cửa hàng đồ ăn nhanh đã phục vụ các loại pizza chay và quảng cáo chúng lành mạnh. Thông thường, các đầu bếp sẽ thay thế phần thịt trên bánh bằng rau mầm, các loại rau gia vị khác. Nhưng dù làm topping loại gì, bánh pizza cũng có nguyên liệu chính là bột mì trắng, phô mai, nước xốt nên về cơ bản, chúng không bổ dưỡng như nhiều người nghĩ. Pizza còn thường được bán kèm với nước ngọt có ga, tăng nguy cơ các bệnh đường huyết, tim mạch. Do đó, bạn nên hạn chế tối đa các loại thực phẩm này.
Bỏng ngô
Bỏng ngô chủ yếu bao gồm carbohydrate và protein, có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiếm ai ăn bỏng ngô ở dạng "tinh khiết" mà thường cho thêm các chất phụ gia như đường, muối, bơ, các chất tăng mùi vị, vì vậy, nếu ăn nhiều cũng sẽ không tốt. Ngoài ra, nếu bỏng ngô được làm bằng lò vi sóng, chúng có thể chứa nhiều diacetyl và chất béo chuyển hóa, có hại cho sức khỏe.
Cá hồi nuôi
Cá hồi luôn là thực phẩm đầu bảng về độ ngon và bổ dưỡng với cơ thể. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng với cá hồi tự nhiên. Còn cá hồi được nuôi trong các trang trại đặc biệt không thực sự được ưa chuộng, dù giá thành rẻ hơn. Có khá nhiều tranh cãi về chất lượng của loại thực phẩm này. Thậm chí, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng phụ nữ có thai và trẻ em không nên ăn cá hồi nuôi quá thường xuyên bởi viên thức ăn khô dành cho cá có khả năng mang theo độc tố.
Thanh protein, cocktail protein
Những người quá bận rộn mà vẫn muốn có đủ sức khỏe thường tìm đến những thực phẩm bổ trợ như thanh protein hay cocktail protein. Chúng được bày bán khá phổ biến trong các siêu thị. Thanh protein được giới thiệu bổ sung đủ dinh dưỡng lành mạnh cho cơ thể. Tuy nhiên, hàm lượng protein trong mỗi sản phẩm không nhiều như mọi người thường nghĩ. Để tăng hương vị, nhà sản xuất thường thêm khá nhiều đường hoặc chất tạo ngọt, có thể gây tác dụng tiêu cực cho sức khỏe.
Còn cocktail protein ở dạng bột, thường được làm từ thực vật, trứng hoặc sữa. Do đó, những người không hấp thụ sản phẩm từ sữa có thể gặp vấn đề về tiêu hóa nếu sử dụng sản phẩm này. Tương tự thanh protein, cocktail protein cũng có thể chứa lượng lớn đường và hương liệu, có thể gây tăng cân và tăng đường huyết.
PV (T/h)