Chảy máu, tiết dịch âm đạo bất thường, sụt cân, đau xương chậu, đau bụng, mệt mỏi, da vùng kín thay đổi… có thể là dấu hiệu ung thư phụ khoa.
Cơ thể phụ nữ thay đổi theo thời gian là điều bình thường. Nhưng đôi khi những thay đổi có thể là triệu chứng của bệnh ung thư. Chẳng hạn các triệu chứng bất thường ở vùng bụng, vùng xương chậu và âm đạo... có thể là dấu hiệu của các loại ung thư phụ khoa. TS.BS Trần Hải Bình - Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, lưu ý phụ nữ về 10 dấu hiệu dưới đây.
Chảy máu âm đạo bất thường: Chảy máu hoặc tiết dịch âm đạo bất thường là tình trạng phổ biến đối với tất cả các bệnh ung thư phụ khoa, ngoại trừ ung thư âm hộ. Rất nhiều phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung bị chảy máu bất thường.
Sụt cân không rõ nguyên nhân: Nếu bạn đột nhiên giảm hơn 5 kg mà không thay đổi chế độ ăn uống hoặc thói quen tập thể dục thì nên đi khám bác sĩ tìm nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp.
Dịch âm đạo có lẫn máu: Khí hư có máu, sẫm màu hoặc có mùi thường báo hiệu tình trạng nhiễm trùng. Nhưng đôi khi đó là do ung thư cổ tử cung hoặc nội mạc tử cung.
Chán ăn hoặc đầy bụng: Cảm thấy no quá nhanh hoặc chán ăn, đầy bụng, đau bụng hoặc đau lưng có thể cảnh báo bệnh ung thư buồng trứng.
Sưng chân: Một chân sưng lên mà không rõ lý do là dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, thông thường, sưng chân không phải là dấu hiệu của ung thư trừ khi có kèm theo đau, tiết dịch hoặc các triệu chứng ung thư cổ tử cung khác.
Đau vùng xương chậu hoặc vùng bụng: Đau bụng hoặc khó chịu liên tục, bao gồm đầy hơi, khó tiêu, tức, chướng bụng và chuột rút cảnh báo ung thư buồng trứng. Đau vùng chậu liên tục hoặc tức bụng có thể do ung thư nội mạc tử cung.
Bụng chướng: Phụ nữ thường cảm thấy đầy bụng sau khi ăn hoặc uống nhiều, nhất là trong chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng nếu các triệu chứng này kéo dài liên tục trong hơn hai tuần hoặc sau khi hết kinh có thể nghi ngờ ung thư buồng trứng. Chị em cần thăm khám để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Mệt mỏi kéo dài: Mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân, dù đã được nghỉ ngơi nhưng tình trạng không cải thiện. Bất kỳ loại ung thư nào cũng gây mệt mỏi kéo dài, bao gồm cả các loại ung thư phụ khoa.
Thay đổi thói quen đại tiểu tiện: Người bệnh ung thư có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài, đi ngoài ra máu. Tiểu nhiều lần hơn bình thường, tiểu buốt, tiểu ra máu thường là triệu chứng có thể gặp trong ung thư bàng quang, ung thư thận, tuy nhiên, cũng có thể do ung thư buồng trứng và ung thư âm đạo.
Ngứa, rát, đau hoặc nhạy cảm ở âm hộ: Tình trạng ngứa, đau rát âm hộ thường đi kèm những thay đổi về màu sắc hoặc da vùng âm hộ, chẳng hạn như phát ban, lở loét hoặc mụn cóc thường thấy ở ung thư âm hộ.
Ung thư phụ khoa ở nữ giới bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung, ung thư nội mạc tử cung, ung thư âm đạo, ung thư buồng trứng, ung thư âm hộ. Hiệp hội Ung thư Mỹ ước tính có khoảng gần 95.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc các bệnh ung thư phụ khoa, trong đó, có khoảng 29.000 trường hợp tử vong mỗi năm. Phát hiện bệnh sớm giúp cho việc điều trị kịp thời, tăng cơ hội chữa khỏi hoặc tiên lượng sống sau 5 năm tốt hơn, chi phí điều trị cũng thấp hơn.
Theo bác sĩ Bình, phụ nữ bước vào độ tuổi sinh nở nên thăm khám phụ khoa định kỳ ít nhất mỗi năm một lần và thực hiện tầm soát ung thư, nhất là ung thư cổ tử cung khi có các yếu tố nguy cơ.
PV (T/h)