Sống thử đang dần trở thành xu hướng của giới trẻ trên toàn thế giới. Họ cho rằng sống thử sẽ giúp mình học được cách hòa hợp với nhau trước hôn nhân. Thế nhưng việc dọn vào ở chung còn nhiều điều phức tạp hơn thế.
hể.
Sống "thử" những trách nhiệm "thật"
Sống thử liệu có phải là "thử", khi hai người đã về chung dưới một mái nhà, cùng ăn uống, cùng sinh hoạt như một cặp vợ chồng chỉ khác là chưa đặt bút ký.
Sống chung không chỉ cho phép các cặp đôi tìm hiểu nhau sâu hơn, phát hiện những phần tính cách không tương hợp của đối phương, sống chung còn là "bản dùng thử" để các cặp đôi biết và trải nghiệm cái gọi là trách nhiệm hôn nhân.
Tiến sĩ triết học Nguyễn Linh Khiếu từng nói: "Đấy không phải là sống thử mà là sống thật, sống hết sức nghiêm túc chứ không phải chuyện đùa. Tất cả từ tình cảm, tình dục, chi tiêu là đều thật". Cả hai sẽ bắt buộc phải chấp nhận, chịu trách nhiệm và xử lý mọi kết quả vì đây chính là cuộc sống thật, ký ức thật mà hai người đã trải qua và gắn bó.
Nhìn với góc độ pháp luật, điều 14 Luật Hôn nhân gia đình quy định rõ về việc giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Theo đó, "Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này".
Theo đó, cả nam và nữ trong quan hệ sống thử dẫn đến có con đều có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con, phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra và người không trực tiếp nuôi con sẽ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Hãy chắc chắn mình có đủ khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi và khả năng chịu trách nhiệm với cách sống của mình trước khi có ý định dọn về "chung chăn".
Sống thử và những thay đổi lớn
Sau khi dọn về chung với nhau, thời gian đầu, hai người sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc như đã đạt được một ước muốn bây lâu. "Lửa yêu" cũng cháy bỏng và rực rỡ hơn bao giờ hết, tật xấu của đối phương cũng được nhắm mắt bỏ qua, thậm chí còn có chút gì đó đáng yêu.
Nhưng "chén đũa chung chạn còn xô nhau", hai người dần dần rồi cũng có những xích mích, từ những chuyện lớn như tiền bạc, chi tiêu,.. hay đến những cái nhỏ nhất như rửa bát, quét nhà.
Từ hai người xa lạ, có lối sống khác nhau, nhu cầu khác nhau, đã quen làm điều mình muốn, sống cách mình yêu, nay lại phải học cách nhường nhịn, bỏ qua và chấp nhận tính cách, lối sống của đối phương. Đến không gian riêng đôi khi cũng sẽ không thực sự còn "riêng" nữa. Những thay đổi đó chính là "chướng ngại vật" mà chả mấy ai vượt qua.
Sống thử: Được thì tốt, không được thì sao?
Sống thử để có thể tìm hiểu đối phương, cùng tạo dựng một gia đình nhỏ để có thể dễ dàng đưa ra quyết định kết hôn thực sự hay không. Thế nhưng cứ lao vào sống chung mà không trang bị đủ hành trang, kiến thức, đôi khi sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc như: đánh cãi nhau, mang thai, thậm chí nạo phá thai… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn là những chấn thướng về tâm lý và cảm xúc.
Tại Việt Nam, cái nhìn về cụm từ "sống thử" đã được cởi mở hơn rất nhiều so với trước kia tuy nhiên khoảng cách từ "cởi mở" tới "chấp nhận" vẫn rất lớn. Những lời nói bóng gió từ người không có cái nhìn thiện cảm với việc sống thử có thể khiến tâm lý của cặp đôi bị tác động theo hướng xấu đi.
Khi hai người sống thử với nhau nhưng không thể đi tới hôn nhân vì không phù hợp, sẽ có những người có thể vượt qua và tiếp tục đi tìm tình yêu mới cho mình. Nhưng cũng sẽ có một số người bị ảnh hưởng tâm lý và không dám dấn thân vào một mối quan hệ mới. Chính vì vậy, sự chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý chính là điều kiện tiên quyết cho mỗi người trước khi bắt đầu sống thử với nửa kia của mình.
Dù đã sống thử, hôn nhân vẫn sẽ khác
Người ta nói rằng "Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu", có lẽ không đúng trong mọi trường hợp, nhưng để ngọt ngào như hồi mới yêu thì có vẻ không phải là dễ, sau khi kết hôn, đối phương chắc chắn sẽ thay đổi, dù ít hay nhiều.
Trên thực tế, sống thử và kết hôn vẫn khác nhau ở "sự ràng buộc", ràng buộc về pháp luật hay về trách nhiệm đều là những nguyên nhân không nhỏ dẫn đến sự thay đổi. Khi đã kết hôn với nhau, các cặp vợ chồng lúc này mới bộc lộ toàn bộ tật xấu của bản thân. Gia đình nhỏ cũng dần hình thành với hàng trăm hàng nghìn công việc không tên, áp lực "cơm áo gạo tiền" cho con, cho nhà đè nặng trên vai khiến ngọn lửa tình yêu cũng dần bị quyên lãng Không ít bà vợ cho rằng chồng mình ngày càng lười làm việc nhà, ỷ lại vào vợ, còn đa số các ông chồng thì lại nghĩ vợ mình luộm thuộm hơn, không biết chăm lo cho bản thân và gia đình.
Tạp chí Journal of Marriage and Family từng đưa ra một nghiên cứu của Michael Rosenfeld và Katharina Roesler, theo đó, sống chung trước hôn nhân chỉ làm giảm tỷ lệ ly hôn trong năm đầu sau khi kết hôn, tỷ lệ ly hôn trong các năm sau đó thì đều có sự tăng lên.
Một nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ ly hôn ở các cặp vợ chồng từng sống thử là 19%, so với 10% ở các cặp không sống thử trước khi kết hôn.
Có thực sự muốn sống thử?
Nhưng suy cho cùng, điều quan trọng nhất vẫn chính là cảm xúc và lý trí của bản thân. Khi được đề nghị sống thử, hãy thử hỏi bản thân xem mình có thực sự muốn dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào hay bất cứ lý do gì? Kể cả bản thân đã trang bị đầy đủ nhưng sâu bên trong, trái tim vẫn còn một chút do dự thì hãy cân nhắc thật cẩn thận, vì có lẽ bạn chưa thực sự sẵn sàng.
PV (T/h)