Đó là ngành nghề có thu nhập tương đối cao, cơ hội việc làm đa dạng nhưng dự báo sẽ thiếu nhân sự trầm trọng trong vào năm tới.
Ngành bảo hiểm ra đời giúp con người khắc phục được phần nào những rủi ro không nên có trong cuộc sống và công việc. Bên cạnh đó, nó giúp thực hiện những chính sách vĩ mô về ổn định kinh tế, giúp cân đối nền kinh tế trong thời đại hội nhập, góp phần to lớn trong việc bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn và giúp tiết kiệm được các chi phí về đầu tư.
Ngành bảo hiểm ngày càng tăng nhanh về số lượng cũng như chất lượng các dịch vụ ở nước ta. Tại Việt Nam có khoảng 8 triệu người dân đang sở hữu ít nhất một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và con số này được dự báo sẽ tăng nhanh trong các năm tiếp theo.
Số liệu từ Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (ISA) năm 2018 cho thấy doanh thu phí bảo hiểm nhân họ ước đạt 87.960 tỷ đồng (tăng 33% so với năm 2017). Ở Việt Nam có 73 tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 21 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Nhu cầu nhân lực tăng cao, nhiều trường đại học đã bắt đầu mở ngành học bảo hiểm thành một chương trình đào tạo chính thức.
Ngành học này trang bị cho sinh viên những kiến thức toàn diện về bảo hiểm bao gồm lĩnh vực bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thu nhập quốc tế giúp nắm chắc các kiến thức lý luận cơ bản về bảo hiểm, các chính sách và các quy định của Nhà nước về bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế), quy trình tham gia bảo hiểm xã hội, nghiệp vụ thu bảo hiểm xã hội, giải quyết và tổ chức chi trả bảo hiểm xã hội,… nhằm đáp ứng nhu cầu chuyên môn về quản lý, tổ chức tài chính và bảo hiểm.
Sinh viên theo học ngành bảo hiểm không chỉ làm việc như một người môi giới bảo hiểm mà còn thể hiện tốt vai trò ở nhiều vị trí khác như nhà nghiên cứu bảo hiểm, cán bộ quản lý tài chính của công ty bảo hiểm, phụ trách kế toán, phân tích hoạch định tài chính, cán bộ định phí phân tích, đánh giá rủi ro, cán bộ giám định, bồi thường thiệt hại, cán bộ quản lý danh mục đầu tư, cán bộ phát triển bảo hiểm, công tác tại các cơ quan nhà nước về chính sách bảo hiểm,…
Ngành học này được đánh giá là rất tiềm năng, cơ hội việc làm tốt nhất hiện nay. Không chỉ vậy, mức thu nhập bình quân lao động của ngành bảo hiểm đạt mức cao nhất trong các ngành kinh tế với 24,5 triệu đồng (số liệu của Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2021 của Tổng cục Thống kê).
Cụ thể, cá nhân có năng lực chuyên ngành được làm công việc phân tích, thẩm định, quản lý, nghiên cứu thì mức lương cơ bản dao động trong khoảng 10-20 triệu. Sinh viên mới tốt nghiệp chưa có kinh nghiệm, làm công việc môi giới, tư vấn Bảo hiểm thì mức lương cơ bản dao động khoảng 6-8 triệu (nếu bạn có năng lực). Ngoài ra, hoa hồng của ngành Bảo hiểm cũng khá cao.
Vị trí chuyên viên tư vấn bảo hiểm (đại lý bảo hiểm) hiện nay không cần bằng đại học nhưng có yêu cầu chứng chỉ đào tạo trong lĩnh vực này và phải được cấp phép. Hiện nay, một số trường cũng đã mở đào tạo ngành bảo hiểm như Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH); Đại học Kinh tế quốc dân; Đại học Gia Định; Đại học Ngân hàng TPHCM; Đại học Hoa Sen; Đại học Lao động – Xã hội, Cao đẳng Thương mại; Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan,… Điểm chuẩn năm 2021 cho ngành Bảo hiểm là 14 – 27 điểm.
PV (T/h)