Cha mẹ cần tự quan sát và điều chỉnh hành vi của mình để tạo môi trường nuôi dưỡng phù hợp cho sự phát triển của con cái. Đặc biệt là khi con bước vào độ tuổi dậy thì.
Chỉ trích những thay đổi ngoại hình hay cảm xúc
Tuổi vị thành niên là giai đoạn đầy biến đổi từ hooc-môn, thể chất lẫn tâm lý. Cha mẹ cần hiểu và tôn trọng những thay đổi cảm xúc của con, tránh trêu chọc hoặc phê phán con trước mặt bạn bè, để không làm tổn thương hoặc đẩy con xa cách. Cha mẹ nên giao tiếp với con một cách nhẹ nhàng và tôn trọng. Như vậy sẽ giúp con cảm thấy được hỗ trợ trong giai đoạn phức tạp này.
Không tôn trọng không gian riêng của con
Eleanor, 14 tuổi, bày tỏ sự không hài lòng vì thiếu không gian cá nhân do bố mẹ kiểm soát. Cha mẹ nên cung cấp cho con một không gian riêng, dù chung phòng, như góc học tập hay tủ đồ cá nhân, để thể hiện sự tôn trọng sự riêng tư của con. Tránh kiểm soát mọi lúc, trừ trường hợp cha mẹ cảm thấy con đang che giấu sai phạm nào đó nghiêm trọng.
Thường xuyên vắng mặt
Mặc dù chung sống dưới một mái nhà, nhiều cha mẹ vẫn vắng mặt trong quá trình con cái trưởng thành, phó mặc mọi trách nhiệm giáo dục cho đối phương. Việc cả cha và mẹ đều tham gia vào giáo dục là quan trọng, giúp tăng cường mối liên kết gia đình và cho con cảm nhận được tình yêu thương.
Nếu cha ít tham gia vào sự phát triển của trẻ, bé trai có thể thiếu nam tính còn bé gái ngại tiếp xúc và không biết cách hoà hợp với người khác giới.
Cha mẹ cần chủ động giao tiếp và lắng nghe con, dù là trực tiếp hay gián tiếp, để đảm bảo con luôn cảm thấy được quan tâm.
Va chạm thân thể một cách quá gần gũi với con
Cha mẹ cần nhận ra rằng con đã lớn lên, không còn là trẻ nhỏ để có thể tự do thể hiện tình cảm vật lý như ôm, hôn, hay vuốt ve. Đặc biệt, cần thiết lập một không gian riêng tư phù hợp, đặc biệt giữa mẹ và con trai hoặc cha và con gái, giúp con nhận thức về việc tôn trọng cơ thể mình và hiểu cách tương tác khéo léo với bạn khác giới, với cha mẹ là hình mẫu đầu tiên.
Không lắng nghe con
Keegan, 13 tuổi, muốn chia sẻ mọi điều với cha mẹ nhưng lo sợ sẽ bị la mắng. Trẻ em đôi khi cần một người lắng nghe thay vì giải quyết vấn đề cho họ. Cha mẹ nên lắng nghe và khuyến khích con mở lòng bằng cách đặt câu hỏi mở, không nên đưa ra lời khuyên ngay lập tức hay can thiệp mạnh mẽ. Sự đồng cảm từ gia đình sẽ giúp trẻ tìm ra hướng giải quyết vấn đề.
Cãi nhau trước mặt con
Khi xảy ra xung đột, các cặp vợ chồng nên giữ những mâu thuẫn ra khỏi tầm mắt của con cái, tránh để chúng chứng kiến những cuộc cãi vã đầy tổn thương và hành vi không lành mạnh. Nếu trẻ chứng kiến tình cảm gia đình tiêu cực, chúng có thể phát triển nỗi sợ hãi, mất lòng tin vào mối quan hệ hôn nhân và gánh chịu nhiều vấn đề phức tạp khác.
Chỉ trích khi con bị điểm kém
Sam, 16 tuổi, ngại chia sẻ với cha mẹ về điểm kém vì sợ làm họ thất vọng và đôi khi cảm thấy chán học. Cha mẹ cần hiểu rằng điểm số không quyết định hết mọi khả năng thành công của trẻ sau này. Cha mẹ nên tiếp cận con cái một cách chân thành và không áp đặt, giúp chúng nhận ra và cải thiện những điểm yếu trong học tập thay vì chỉ trích.
Nhận xét về bạn của con
Trong tuổi teen, các cô gái thường chuyển sự quan tâm từ gia đình sang bạn bè, mặc dù những người bạn này có thể có hành vi không được cha mẹ chấp thuận. Tuy nhiên, cha mẹ không nên phê phán bạn bè của con một cách tiêu cực. Khi con chia sẻ về bạn bè, cha mẹ nên giữ thái độ điềm tĩnh, thảo luận thay vì phán xét nhanh chóng, để tránh gây ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.
Đối xử không công bằng
Henry, 13 tuổi, cảm thấy bất bình vì bố mẹ ưu ái em trai. Cậu phải chịu hình phạt vì chửi thề ở tuổi em trai mình, trong khi em lại không bị la mắng. Cha mẹ cần thể hiện sự công bằng để được trẻ tôn trọng, và nhận thức được rằng ganh tỵ là phản ứng tự nhiên của trẻ khi chúng thấy sự không công bằng.
pv (t/h)