Thấu hiểu “nỗi đau" của các doanh nghiệp, nhà quản lý…, Lê DươngTech xây dựng giải pháp có thể quản lý nhân sự của tất cả các nhà thầu trên công trường/trong nhà máy hoàn toàn tự động, theo thời gian thực. Đồng thời có thể phát hiện các sự cố tai nạn lao động và thực hiện ứng cứu trong một thời gian ngắn nhất.
|
Founder kiêm Giám đốc Lê DươngTech Lê Đình Tuyến. |
Phóng viên: Xin ông cho biết ý tưởng thành lập Lê DươngTech và HSAFE?
Kỹ sư Lê Đình Tuyến: Lê DươngTechnology được xây dựng với ý tưởng cung cấp và phát triển các giải pháp kỹ thuật hữu ích cho các lĩnh vực về Sản xuất, Giám sát, Môi trường và Năng lượng - xuất phát từ sứ mệnh góp phần xây dựng một nền kinh tế bền vững, thân thiện môi trường và đề cao nhân sinh.
Xin phép được kể một câu chuyện “ngoài lề” một chút. Khoảng thời gian năm 2018 tôi là kỹ sư tham gia một số dự án xây dựng, vận hành nhà máy ở một số tỉnh thành phía Bắc như Hải Dương, Hải Phòng… Ekip đều là mấy thanh niên trẻ, vừa ra trường được một thời gian. Anh em làm việc và sinh hoạt với nhau hoà đồng, vui vẻ, rất yêu quý nhau.
Chừng vài tháng sau, một số đồng nghiệp chuyển sang một công ty khác (chuyên về lĩnh vực khí). Bất ngờ đầu năm 2019 tôi nghe tin có ba kỹ sư, công nhân tử vong do ngạt khí gas bị rò rỉ trong quá trình lắp đặt đường ống dẫn khí tại một khu công nghiệp ở Thái Bình. Rất buồn họ chính là những đồng nghiệp cũ của tôi.
“Đêm hôm ấy tôi cứ nghĩ về những người bạn cũ. Rồi lại miên man nghĩ về người mẹ, người vợ, người con… của họ sẽ đối diện với tình huống này như thế nào. Phải có cách gì đó để hạn chế thấp nhất những tai nạn lao động kiểu này chứ".
Từ đó tôi cùng đội ngũ của mình ngày đêm trăn trở về một giải pháp có thể “giám sát", hay đúng hơn là quản lý được vị trí, công việc, tình trạng sức khoẻ… của từng kỹ sư, cán bộ, công nhân trên công trường, hoặc nhà xưởng…
Sau hơn một năm trăn trở, nghiên cứu, phát triển… đội ngũ LêDươngTech đã tạo ra HSAFE.
|
Hệ thống HSAFE đang được ứng dụng tại Công trình nhà máy điện sinh khối Hậu Giang. |
Phóng viên: Ông có thể giới thiệu kỹ hơn về giải pháp này?
Kỹ sư Lê Đình Tuyến: HSAFE có thể hiểu đơn giản là một hệ thống giám sát ATLĐ theo thời gian thực.
Đây là một sản phẩm công nghệ đột phá trong lĩnh vực an toàn lao động. Với việc tích hợp các cảm biến và công nghệ IoT (Internet of Things), HSAFE giúp bảo vệ và quản lý lực lượng lao động từ xa, phát hiện sớm các dấu hiệu sinh học của người lao động đang gặp vấn đề nguy hiểm tính mạng.
HSAFE có thể xác định vị trí đi lại, làm việc của công nhân; Dễ dàng giám sát hành vi trên diện rộng như trong công trường; Ghi nhớ lịch sử vị trí những nơi công nhân từng đi qua; Kiểm tra được công nhân đã ở vị trí nào trong bao lâu.
Bên cạnh đó, thiết bị cảm biến trên mũ bảo hộ sẽ đo các chỉ số sau: nhịp tim, nhiệt độ, mức độ vận động, tư thế làm việc… Từ đó biết được tình trạng sức khỏe hiện tại của công nhân. Đồng thời phát hiện bất thường thông qua dữ liệu thu được (ngừng vận động, nhịp tim yếu, đi vào khu vực cấm...), lập tức báo hiệu khẩn cấp tới người giám sát.
Ngoài ra hệ thống còn phát tín hiệu (âm thanh, đèn báo động) khi cần trợ giúp; Phát tín hiệu khi cần tìm kiếm hoặc có bất thường. Việc chấm công và kiểm soát ra vào cũng trở nên đơn giản, thuận tiện cùng rất nhiều giải pháp hữu ích khác…
Phóng viên: Giải pháp này sẽ mang lại những ích lợi cụ thể nào, thưa ông?
Kỹ sư Lê Đình Tuyến: Khi ứng dụng vào thực tế HSAFE sẽ giúp BGĐ/ Công ty nhìn tổng quan được nhân sự tại công trường. Có dữ liệu quản lý chính xác & cập nhật nên có điều chỉnh kịp thời.
Đối với Công nhân: được cảnh báo khi gặp nguy hiểm và ứng cứu kịp thời; ược giám sát sức khỏe thường xuyên.
Đối với Quản lý an toàn: Phát hiện các khu vực có nồng độ CO2, bụi...cao. Phản ứng nhanh chóng, kịp thời với tai nạn lao động.
Đối với Quản lý dự án: Quản lý rủi ro hiệu quả, quản lý hiệu suất và tiến trình tốt hơn.
Đối với Quản lý lao động: Giám sát nhân công và chấm công chính xác; Biết rõ số lượng nhân công tại mỗi hệ thống, khu vực
Đối với Khách hàng: Giảm số lượng nhân viên giám sát, Dễ dàng đánh giá nhà thầu.
|
Hệ thống HSAFE mang lại lợi ích nhiều mặt cho các dự án, công trình... |
Phóng viên: Giải pháp này đã được ứng dụng thực tế chưa, thưa ông?
Kỹ sư Lê Đình Tuyến: Giải pháp của chúng tôi đã được triển khai tại Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang từ đầu năm 2023.
Với vai trò là nhà thầu phụ, phụ trách mảng quản lý ra vào tại công trường, giám sát an toàn và vị trí của công nhân trên công trường… các kỹ sư Công ty TNHH Giải Pháp Kỹ Thuật Lê Dương cũng đã có mặt tại công trường tại những ngày đầu, tiến hành triển khai xây dựng, lắp đặt hệ thống HSAFE.
Hàng loạt công việc được triển khai một cách khẩn trương, như: Khảo sát vị trí lắp đặt trụ Anchor giám sát, Tiến hành lắp đặt Anchor, Lắp đặt phòng giám sát và Tripod Barrier (Cổng quay 3 chân), Lắp đặt hệ thống camera, Lắp đặt hệ thống treo và sạc mũ BHLĐ, Test hệ thống, Bắt đầu thời gian vận hành demo chạy thử, Theo dõi và đánh giá quá trình chạy thử theo tuần/tháng, Hoàn thành quá trình chạy thử, Triển khai và cung cấp tổng số lượng 550 mũ BHLĐ kèm thiết bị giám sát sức khoẻ và an toàn lao động...
Kết quả cho thấy Hệ thống quản lý an toàn tiên tiến dựa trên nền tảng IoT đã và đang vận hành rất thuận lợi. HSAFE hỗ trợ các công tác quản lý ra vào tại công trường, giám sát an toàn và vị trí của toàn bộ nhân công tại trạm một cách hiệu quả, trực quan. Chỉ với một chiếc smartphone, các nhà quản lý, chủ đầu tư có thể quản lý nhân sự của tất cả các nhà thầu trên công trường - nhà máy hoàn toàn tự động, theo thời gian thực.
Phóng viên: Ngoài HSAFE ra, công ty có những giải pháp nào khác, về IoT?
Kỹ sư Lê Đình Tuyến: Một trong những giải pháp đột phá khác của Công ty là FireNext. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc giúp Hỗ trợ và bảo vệ các cấp Quản lý công trình khi có sự cố an toàn về cháy nổ xảy ra, dựa trên nền tảng giám sát dữ liệu thời gian thực, trực quan, rõ ràng.
Rút kinh nghiệm từ sự cố cháy nổ tại chung cư Carina (tháng 8/2018 tại TP HCM), giải pháp FireNext sẽ giúp người đứng đầu cơ sở có đầy đủ dữ liệu trực quan để giám sát quá trình duy tu bảo dưỡng hệ thống PCCC, đảm bảo hệ luôn sẵn sàng hoạt động, kiểm tra hệ thống định kỳ, kịp thời chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo an toàn PCCC theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn PCCC. Những dữ liệu giám sát được thu thập như: trạm bơm chữa cháy, hệ thống báo cháy, hệ thống thông gió hút khói, áp suất hành lang thoát nạn... là cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ người đứng đầu trước các rủi ro pháp lý liên quan.
Phóng viên: Được biết công ty đã và đang hợp tác với nhiều đối tác lớn trong ngành Năng lượng, Xây dựng?
Kỹ sư Lê Đình Tuyến:Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm mới có tính đột phá trên, Lê Dương còn là đơn vị đi đầu trong việc tham gia Thiết kế, thi công lắp đặt và nghiệm thu với cơ quan quản lý nhà nước các hệ thống PCCC tiên tiến cho các công trình năng lượng mới như LNG Terminal, Điện khí LNG, Điện sinh khối, Điện tái tạo…
Trải qua gần 5 năm hoạt động, Lê Dương đã có cơ hội được hợp tác và triển khai công việc trong dự án của các doanh nghiệp về Năng lượng- Xây dựng hàng đầu Việt Nam và thế giới như: PVGAS, Hai Linh LNG Terminal, Hiep Phuoc Power Plant, Long An LNG Power Plant, Krohne (Malaysia), Sivec (Singapore), Klever (Canada), Cảng Baria Serece, Unicons, PECC2, Thủy điện Trị An (EVN)...
Trân trọng cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị này!
Link giới thiệu về hệ thống HSAFE: https://www.youtube.com/watch?v=l-swCXozuA8 |
Theo Petrotimes