Theo quan niệm dân gian ngày xưa, vào mùng 1 ngày lễ Tết để tránh những điềm xui rủi bạn cần tránh ăn một số món ăn.
1. Thịt chó
Thịt chó là một trong những món ăn được nhiều người yêu thích, nhưng có nhiều quan niệm cho rằng nếu ăn thịt chó vào những ngày đầu tháng, đặc biệt là đầu năm sẽ rước vào những điềm xui xẻo, không may cho bản thân và gia đình. Chính vì thế thịt chó là món cấm kỵ đầu tiên không được ăn vào mùng 1 Tết.
Thay vì ăn vào những ngày đầu tháng, người ta thường ăn vào những ngày cuối tháng, cuối năm như một cách giải trừ xui xẻo.
2. Thịt vịt
Tương tự như thịt chó, thịt vịt cũng là một trong những món ăn được liệt kê vào danh sách xả xui cuối tháng mà không phải là đầu tháng hay đầu năm.
Nhiều người hay nói "lạch bạch như vịt" vì vậy thịt vịt thường được kiêng kị đầu năm, để tránh cả năm mọi việc đều "lạch bạch", không suôn sẻ, nhanh chóng.
Theo quan niệm của người miền Bắc và miền Trung, ăn thịt vịt vào ngày đầu năm sẽ rước vào xui xẻo. Nếu bạn không muốn rước xui xẻo vào mình thì nên kiêng món thịt vịt đầu năm nhé!
3. Mực
Khi nói về sự xui xẻo, không may mắn, trong dân gian hay dùng câu nói "đen như mực" để diễn tả, chính vì thế mà mực cũng là một trong những món ăn không được "chào đón" vào ngày đầu năm.
4. Tôm
Tôm có đặc tính khi đi sẽ đi thụt lùi về phía sau, lại có đầu to hơn mình nên sẽ khó "đầu xuôi, đuôi lọt", điều này đã khiến cho tôm rơi vào "danh sách đen", người miền Trung và miền Nam quan niệm rằng nếu ăn tôm vào mùng 1 Tết sẽ khiến cho cả năm phải thụt lùi, công danh, sự nghiệp hay tiền bạc, vật chất cũng bị trì trệ, khó lòng suôn sẻ.
Chính vì thế để không gặp điều không lành này, hãy kiêng ăn tôm vào mùng 1 bạn nhé!
5. Mắm tôm
Đối với người miền Bắc, mắm tôm chính là món cấm kỵ vào những ngày đầu năm và cả đầu tháng. Bởi mùi mắm tôm khá nặng, người ta quan niệm rằng mùi sẽ mang đến sự hôi hám, uế tạp, khiến cho họ gặp xui xẻo, không thuận lợi. Hơn hết, thông thường mùng 1 mọi người đi lễ chùa, việc mang mùi mắm tôm đến những nơi linh thiêng như vậy sẽ bị coi là sự xúc phạm thần linh.
6. Trứng vịt lộn
Theo quan niệm của người miền Nam và miền Trung, ăn hột vịt lộn sẽ đổi vận từ xui thành may và ngược lại, nên thường người ta sẽ ăn hột vịt lộn khi gặp xui xẻo như một cách xả xui. Đầu năm tết đến gia đình xum họp là một điều may mắn, phước lành chính vì thế món hột vịt lộn sẽ bị "loại trừ" ra khỏi thực đơn vào ngày đầu năm.
7. Cá mè
Chữ "mè" trong từ cá mè thường đi theo chữ "mè nheo". Điều này như một sự phàn nàn, cằng nhằng gây khó chịu. Ngoài ra, cá mè còn có mùi tanh và nhiều xương hơn các loại cá khác. Do đó, nếu ăn vào ngày đầu tháng, nhiều người lo ngại cả tháng sẽ vất vả, không trơn chu, còn dễ bị "hóc xương". Những điều này sẽ làm cho ngày đầu năm trở nên không suôn sẻ, vì thế dân gian thường sẽ không ăn vào ngày đầu năm.
8. Chuối
Khác với người miền Bắc luôn xếp chuối vào mâm ngũ quả, người miền Nam rất kỵ loại trái cây này bởi tên chuối có âm điệu gần giống với từ "chúi", vì không muốn có một năm phải "chúi" mặt, nên người miền Nam sẽ không ăn chuối vào đầu năm hay trước các buổi thi cử quan trọng cũng vậy.
9. Sầu riêng
Chữ "sầu" trong từ sầu riêng được hiểu như nỗi sầu, muộn phiền. Vì vậy, người ta thường tránh ăn sầu riêng vào đầu năm để tránh xui xẻo, muộn phiền cho bản thân.
Bên cạnh đó, câu chuyện kể về sự tích quả sầu riêng trong dân gian cũng là một câu chuyện buồn, thêm vào đó mùi sầu riêng khá nặng nên đây cũng là một trong những lí do mà sầu riêng được xếp vào danh sách những món kiêng ăn đầu năm.
10. Cháo trắng
Trong các món ăn cúng cô hồn thì cháo trắng là món không thể thiếu. Dân gian quan niệm ăn cháo trắng vào ngày mùng 1 đầu năm sẽ khiến ma quỷ nghĩ rằng bạn đang giành ăn với họ nên sẽ đến quấy phá khiến bạn gặp nhiều tai ương.
Ngoài ra, cháo trắng còn được dân gian xem là một món ăn "nghèo", khi không có điều kiện hay gia đình thiếu thốn mới ăn cháo trắng, chính vì thế để tránh những điều không may mà người ta sẽ không ăn cháo trắng vào đầu năm.
Relife