Có gì đặc biệt ở quần đảo Raja Ampat của Indonesia mà nơi này được mệnh danh là "thiên đường duy nhất còn sót lại trên Trái Đất" sau khi vươn lên từ một địa điểm bị ngư dân đánh bắt không bền vững.
Nằm ở trung tâm của Tam giác San hô, mạng lưới Khu bảo tồn Biển Raja Ampat trải dài hơn 4 triệu ha và bao gồm khoảng 1.500 hòn đảo. Mặc dù có sự đa dạng sinh học biển phong phú và cảnh đẹp nên thơ, nhưng nhờ vào vị trí tương đối hiểm trở, Raja Ampat đã tránh được “số phận” trở thành khu du lịch, an toàn bảo vệ hơn 1600 loài cá và 75% trong số các loài san hô được biết đến trên khắp thế giới.
Chứng kiến Raja Ampat rực rỡ của ngày hôm nay, ít ai có thể nghĩ rằng khoảng 20 năm trước, nơi này đã từng suy tàn do hoạt động đánh bắt thương mại quá mức và không bền vững. May mắn thay, nhiều sáng kiến bảo tồn đã ra đời giúp quần thể cá tăng trở lại, nạn săn trộm giảm khoảng 90%, san hô được phục hồi, và đặc biệt là quần thể cá mập cũng trở lại vùng biển yên bình này.
Năm 2004, Raja Ampat được liệt kê vào danh sách những khu vực cần được bảo tồn dưới sự hỗ trợ của các nhà bảo tồn quốc tế cũng như chính quyền địa phương. Đây là chương trình giúp bảo tồn và phục hồi các nguồn tài nguyên biển, song song với đảm bảo an ninh lương thực và lợi ích kinh tế bền vững cho người dân địa phương.
Các khu vực bảo tồn thuê chính người dân địa phương để bảo vệ và truyền bá các kiến thức, giá trị và tập tục truyền thống, đồng thời cô lập một số khu vực để cho phép các hệ sinh thái có thời gian phục hồi.
Sau nhiều nỗ lực, từ năm 2007, sinh khối cá đã tăng trung bình 250% và những con cá mập từng bỏ đi bắt đầu quay trở lại khu vực.
Khoảng hai thập kỷ trước, những người thợ lặn đã đếm được kỷ lục 327 loài cá chỉ trong một lần lặn. Một thập kỷ sau, con số này tăng lên đến 374 loài khác biệt, được bắt gặp chỉ trong 90 phút.
Khi được hỏi về các địa điểm lặn lý tưởng, các thợ lặn địa phương cho biết danh sách này gần như vô tận. Ngoài rạn san hô Cape Kri nổi tiếng, khu vực Sardines Reef cũng là một địa điểm được yêu thích vì nó có nhiều cá đến nỗi đôi khi đàn cá che lấp cả ánh sáng mặt trời.
Không chỉ có dưới lòng biển, cảnh vật trên mặt đất cũng vô cùng nên thơ với hệ động thực vật đa dạng. Những giọt nước nhỏ xíu như mũ nấm nằm rải rác, bao phủ trên các cây nắp ấm và hoa lan rừng.
Loài động vật chân đốt lớn nhất trên cạn, cua dừa, có thể được tìm thấy đang “bay” lơ lửng giữa những tầng cây cối rậm rạp. Các loài chim hiếm gặp như chào mào lưu huỳnh, chim hồng hoàng hay diều lửa cũng thường xuyên được bắt gặp.
Rừng ngập mặn còn đóng vai trò là “vườn ươm cá con” và là nơi ẩn náu của cáo bay, dơi ăn quả…
Khi đi bộ đường dài trên bờ cát, khách du lịch chắc chắc sẽ bị hớp hồn bởi vẻ đẹp của những hòn đảo đá vôi và đầm phá xanh mướt như ngọc.
PV (T/h)