Từ hình ảnh của ông Minh Tuệ, có thể quán chiếu rằng khi một người thực tu thì dù dưới bất kỳ hình thức nào (kể cả cư sĩ tại gia) đều đáng trân quý như ánh sáng của các vì sao giữa trời đêm.
Từ hình ảnh của ông Minh Tuệ, có thể quán chiếu rằng khi một người thực tu thì dù dưới bất kỳ hình thức nào (kể cả cư sĩ tại gia) đều đáng trân quý như ánh sáng của các vì sao giữa trời đêm.
Gần tháng qua, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh công dân Minh Tuệ - tên thật là Lê Anh Tú - đầu trần chân đất đi khắp đất nước, qua nhiều tỉnh thành từ Nam đến Bắc. Hình ảnh ấy khiến một bộ phận công chúng nghĩ đến bóng dáng của người tu theo Hạnh Đầu Đà - một pháp tu của Đức Thích Ca Mâu Ni khi Ngài vừa rời hoàng cung để xuất gia. Đây là pháp tu hiếm thấy trong số hàng vạn đệ tử Phật hiện nay.
Trong bài viết này, tôi với tư cách không phải là Phật tử, chưa từng lễ bái, cúng dường chùa chiền, sư tăng nhưng với chút ít kiến thức về triết lý của Phật giáo, xin được mạn đàm đến chữ HẠNH của ông Minh Tuệ, dưới góc nhìn thế tục.
Thứ nhất, ông Minh Tuệ khi trả lời với mọi người, không bao giờ nhận mình là thầy hoặc sư mà luôn xưng "con". Chỉ riêng điều này đã tỏ rõ HẠNH KHIÊM NHU của ông.
Thứ hai, ông Minh Tuệ luôn bảo mình là công dân Việt Nam bình thường nhưng học theo Phật để mong cầu được giải thoát. Ông có suy nghĩ, một người dù giàu có, quyền uy đến mấy chưa hẳn là hạnh phúc nhưng khi bản thân không có gì cả mới là hạnh phúc thật sự. Vì vậy ông quyết định chọn con đường tu học theo Phật. "Bản thân không cần gì cả" chính vì vậy mà ông chỉ mỗi ngày một bữa chay trước giờ Ngọ và nước uống từ sự thí thực của bá tánh. Đặc biệt, ông không bao giờ nhận tiền "cúng dường"! Khi ông nói chuyện, người ta thấy vẻ hiền lành, nụ cười luôn nở trên môi, cùng cặp mắt thật sáng trên khuôn mặt đen đúa, khắc khổ vì những tháng năm hành trì. Đặc biệt, chưa khi nào ông tỏ thái độ hờn tức hay xúc xiểm ai, ngược lại luôn cầu cho mọi người được hạnh phúc, an lạc.
Với tôi, ông Minh Tuệ đã đến gần với HẠNH NGỘ GIÁC về tình trạng thực của đời người, đó là Tứ Diệu Đế (bốn chân lý mầu nhiệm của một đời người mà Phật đã dạy: Khổ Đế: sự khổ ải; Tập đế: nguồn gốc của sự khổ ải; Diệt đế: sự diệt khổ; Đạo đế: con đường để diệt khổ). Cũng như bước đầu, ông đã thoát được "Tam độc" của đời: Tham - Sân - Si.
Thứ ba, ông Minh Tuệ từng tâm sự rằng lý do ông đi là để những phiền não trong tâm ông không khởi lên, để có thể tu học. Phải chăng ông đang tập hành trì HẠNH CHÁNH NIỆM!
Thức tư, trước đây, tôi từng gặp một số nhà sư tu theo phái Khất sĩ hoặc Du phương tăng nhưng không thực sự tin có người thực hiện được HẠNH NGỦ NGỒI suốt nhiều ngày liền. Giờ đây, HẠNH ấy đã có người làm được một cách nhẹ nhàng. Tôi cũng đã từng đọc triết lý Phật giáo về buông xả, vô ngã. Nay thì đã có người đem điều đó ra thực hành, để những tín đồ Phật giáo (cả những người ngoại đạo) nhận ra thế nào mới là tập học theo Phật.
Từ hình ảnh của ông Minh Tuệ, có thể quán chiếu rằng khi một người thực tu thì dù dưới bất kỳ hình thức nào (kể cả cư sĩ tại gia) đều đáng trân quý như ánh sáng của các vì sao giữa trời đêm.
Cũng nên hiểu rằng, Phật giáo là một triết lý nhân sinh, khuyên người tránh dữ làm lành để chúng sinh an lạc. Không có chuyện Phật giáng họa cho bất kỳ ai (Nếu giáng họa cho người đời thì Phật không còn là Phật). Cho nên đừng nghĩ cứ cúng dường cho Phật càng nhiều thì càng được phước, không cúng (hoặc cúng ít) thì thiếu phước. Hãy là đệ tử Phật đúng theo ý nguyện của Ngài: TU! (Là sửa mình cho tốt hơn, lành hơn, tỉnh thức hơn)
Khi Đức Thích Ca chưa giác ngộ, Ngài không hoằng pháp cho ai cả. Làm sao Phật có thể dạy cho người khác về từ bi, vô ngã, vị tha… khi tâm của Ngài chưa đạt đến trạng thái đó?! Một người còn mang đầy hỉ, nộ, ái, ố thì sao có thể dạy cho người khác tinh thần buông xả được. Vạn kiếp, người ta không thể cho thứ mà họ không có!.
Cuối cùng, xin được trích lời Phật dạy: "Chiến thắng người khác mặc dù là khó, nhưng vẫn còn dễ hơn rất nhiều so với chiến thắng bản thân mình"!
Và "Từ trong cái diệt thấy sự bất diệt. Trong buồn đau nhìn thấy hoan hỉ. Trong sự xấu xa nhìn thấy điều tốt đẹp và vô minh luôn che lấp tầm nhìn của con người..."
Lê Trường